Theo thống kê, tổng đàn trâu hiện có 109.863 con bằng 96,58% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 91.655 con bằng 101,65% so với cùng kỳ; đàn lợn hiện nay là 479.522 con so với cùng kỳ bằng 104,98%; tổng đàn gia cầm 8.886 nghìn con so với cùng kỳ bằng 104,4%, (đàn gà 7.894 nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,42%). Sản lượng sản phẩm chăn nuôi tiếp tục duy trì ổn định nguồn cung cho thị trường góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của trong và ngoài nước. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm thực hiện thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể. Cụ thể, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương như: "Gà Lạc Sơn", "Gà Lạc Thủy", "Lợn Bản địa Đà Bắc", "Dê Lạc Thủy", "Dê núi Lương Sơn",... có truy xuất nguồn gốc.
Cơ giới hóa trong chăn nuôi trang trại quy mô lớn hầu hết đều ứng dụng cơ giới hóa trong thiết kế cải tạo hệ thống chuồng nuôi, giúp người chăn nuôi quản lý được tiểu khí hậu chuồng nuôi, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi, môi trường không khí phù hợp an toàn dịch bệnh, không bị mầm bệnh xâm nhập. Trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) nuôi lợn thịt. Trên 70% chăn nuôi quy mô nhỏ và nông hộ chăn nuôi lợn thịt sử dụng hệ thống máng ăn, thiết bị núm uống tự động để lợn, gà có thể chủ động ăn, uống theo nhu cầu, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt nhất. 100% trại chăn nuôi quy mô lớn đều có xây dựng các bể biogas liên thông xử lý nước thải và ao nuôi cá điều hòa không khí. Nhờ áp dụng công nghệ và tuân thủ quy trình kỹ thuật nên chuồng nuôi luôn thông thoáng và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho vật nuôi sinh trưởng tốt. Số nông hộ chăn nuôi đều sử dụng bể Biogas, ủ Compart kết hợp với phương pháp ủ sinh học và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, tận dụng làm chất đốt giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi được định kỳ thực hiện tốt. Đối với chăn nuôi đại gia súc, các trang trại và nông hộ đều áp dụng cơ giới hoá để chế biến thức ăn. Chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 60 Hợp tác xã chăn nuôi, có 28 Hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi. Có 15 sản phẩm OCOP chăn nuôi: Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy được xếp hạng 4 sao; Gà tươi nguyên con của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng; sản phẩm Gà Lạc Sơn của Hợp tác xã chăn nuôi gà Hương Nhượng được xếp hạng 3 sao; Gà Thuận Phát của Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Thuận Phát được xếp hạng 3 sao; thịt dê núi Lương Sơn; Vịt Cổ xanh Mường Hịch; Thịt lợn đen Mường Pa và 08 sản phẩm mật ong được xếp hạng 03 sao. Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người chăn nuôi. Hình thức này đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế phù hợp ở mỗi địa phương theo hình thức chuỗi giá trị, thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất hàng hóa được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
Công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là chất thải nhựa) được tăng cường. Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác phát triển chăn nuôi tập trung tại các trang trại trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các trang trại đều có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường (sử dụng BIOGAS, ao lắng đọng). Các chất thải nguy hại hầu hết đã được thu gom và có hợp đồng xử lý chất thải với Công ty môi trường đô thị xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Thường xuyên hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại (bao bì thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) từ các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm được thu gom xử lý đúng theo quy định, các cơ sở chăn nuôi đều có kho chứa thất thải nguy hại và có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với các đơn vị thu gom xử lý chất thải. 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa và khoảng 30% hộ chăn nuôi trên địa bàn đều có xây dựng bể Biogas, ủ Compart kết hợp với phương pháp ủ sinh học và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, tận dụng làm chất đốt giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất nâng cao nhận thức về tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa hoạc trong công tác giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường vào sản xuất để hướng đến xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, kinh nghiệm được thuê đất lâu dài để mở rộng quy mô sản xuất. Hỗ trợ công tác khuyến nông hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi sử dụng giống, tiêm phòng định kỳ. Tăng cường công tác bảo tồn các giống bản địa, phát triển đa dạng sinh học, phát huy lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong công tác chế biến sử dụng thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi; thuốc thú y và các chế phẩm sinh học trên địa bàn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Kiểm soát tốt dịch bệnh, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra, kiên quyết hạn chế không để dịch bệnh lây lan gây tổn thất cho người chăn nuôi; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường.
Khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Về tổ chức lại sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hoá, chú trọng xứ lý môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn, khuyến khích người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao giá trị sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị kinh tế ngành chăn nuôi.
Lê Huệ