Xác định phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Thủy là một hướng đi tích cực và đúng đắn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, phát huy nội lực, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội của địa phương một cách bền vững vì vậy ngay từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kết luận số 246-KL/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy đã ban hành Nghị Quyết số 07-NQ/HU, ngày 05/11/2021 về việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều quy định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy đã tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương hình thành và phát triển các cụm công nghiệp. Xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động, đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp, từ đó dạt được những kết quả khá quan trọng.
Về quy hoạch các cụm công nghiệp: Tính đến nay, huyện Lạc Thuỷ còn 05 cụm công nghiệp với tổng diện tích được quy hoạch là 215,86 ha, trong đó: Cụm công nghiệp Đồng Tâm được quy hoạch với diện tích 73,96 ha, cụm công nghiệp Phú Thành II được quy hoạch với diện tích 50 ha, cụm công nghiệp Thanh Nông được quy hoạch với diện tích 35,11 ha, Cụm công nghiệp Môi trường công nghệ cao Hoà Bình với diện tích là 56,8ha, Cụm công nghiệp Đồng Tâm II với diện tích là 66,38ha.
Về đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Bằng nhiều nguồn vốn huyện cũng đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản cho cụm công nghiệp Phú Thành II gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống thu gom xử lý nước thải, trạm xử lý nước thải, hệ thống điện và các hạng mục phụ trợ; đầu tư một phần cho hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Đồng Tâm. Hiện tại, đã có 02 nhà đầu tư cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp Đồng Tâm và cụm công nghiệp môi trường công nghệ cao Hoà Bình. Bên cạnh đó, dự kiến trong năm 2022 - 2023, sẽ có thêm 01 nhà đầu tư cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Đồng Tâm II.
Về thu hút đầu tư: Các cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 19 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng mức đăng ký đầu tư là 1.406,37 tỷ đồng.
Đã huy động các nguồn vốn từ ngân sách của huyện, tìm nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, năm 2019 - 2020 đã có 02 doanh nghiệp bằng nguồn vốn chủ sở hữu cam kết đầu tư hạ tầng cho 02 cụm công nghiệp trên địa bàn.
Bước đầu đã tạo được sức hút với các nhà đầu tư, các đơn vị, doanh nghiệp thuê đất, thuê hạ tầng đầu tư kinh doanh với đăng ký vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Bước đầu tạo được công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai phối hợp tốt trong việc thực hiện chức năng của mình, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trong các cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, công tác phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại đó là: Kết quả đạt được chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng và kỳ vọng. Công tác thu hút đầu tư còn chậm, tính từ năm 2014 đến nay thì trên địa bàn huyện Lạc Thủy mới có 19 dự án được chấp thuận chủ trương và thực hiện đầu tư trong các cụm công nghiệp. Hạ tầng trong các cụm công nghiệp đã được đầu tư song vẫn còn yếu kém, chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư trong các cụm công nghiệp. Chưa có những chính sách ưu đãi riêng đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư vào đâu tư vào các cụm công nghiệp vì vậy việc thu hút các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp còn chậm. Tình hình triển khai nhiệm vụ của cụm công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu là do điều kiện hạ tầng kỹ thuật các CCN còn thiếu, chưa đồng bộ, một số cụm công nghiệp nằm trong khu vực chịu sự ảnh hưởng của quy chế quản lý vùng CT 229.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, huyện cần có cơ chế giao Chủ đầu tư hạ tầng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, trực tiếp tổ chức khai thác và được quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng. Căn cứ vào yêu cầu phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý, chủ động lập đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. Nhằm định hướng cho việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng có hiệu quả. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ về thu hút đầu tư. Cùng với đó là tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung ương và địa phương để hệ thống kết cấu hạ tầng được hoàn thiện. Xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật trong quá trình xem xét, quyết định các dự án mới, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế và kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Duy Hoàn