Hiện nay, toàn tỉnh Hoà Bình có 538 đơn vị, trường học, trong đó có 222 trường Mầm non (có 7 trường mầm non tư thục); 28 trường Tiểu học (có 01 trường tư thục); 194 trường TH&THCS (có 1 trường PTCS, 9 trường DTBT); 26 trường THCS (có 03 trường DTBT); 01 trường PTDTNT THCS; 11 trường PTDTNT THCS&THPT; 01 trường PTDTNT THPT; 35 trường THPT; 01 trường Phổ thông liên cấp; 01 Trung tâm GDTX tỉnh; 01 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp- Ngoại ngữ và Tin học; 1 trường Cao đẳng Sư phạm; 10 trung tâm GDNN-GDTX huyện. Ngoài ra còn có 151 Trung tâm học tập cộng đồng, 01 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học ngoài công lập; 15 trung tâm Ngoại ngữ, 09 trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống, 03 trung tâm tư vấn du học.
Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 12.118 cán bộ quản lý, công chức, viên chức và người hợp đồng lao động, trong đó cấp tiểu học 4.564 người, mầm non cho trẻ em 5 tuổi là 1.249 người, công tác xóa mù chữ là 223 người, cấp Trung học cơ sở là 4.507 người; cấp Trung học phổ thông là 1.575 người. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hoà Bình đạt chuẩn, trong đó tỉ lệ trên chuẩn rất cao.
Với mục tiêu nâng cao dân trí, toàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác PCGD, XMC. Năm 1995, Hoà Bình là tỉnh miền núi thứ 2 và là tỉnh thứ 13 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học - chống mù chữ; Năm 2003, tỉnh Hòa Bình là tỉnh miền núi thứ 4 và là tỉnh thứ 18 trong cả nước đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở; Năm 2005, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn PCGD tiểu học; Năm 2012, tỉnh Hòa Bình là tỉnh thứ 2 trong cả nước đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Về phổ cập giáo dục mầm non: Triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chính sách của Nhà nước; hàng năm điều tra, rà soát và đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, khuyến khích huy động trẻ 5 tuổi đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ hướng tới mục tiêu PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, qua đó đã nâng dần tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo, tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân. Đến nay, số trẻ em 5 tuổi đến lớp là 14.193/14.193 cháu đạt 100% (vượt 5.0% so với yêu cầu Nghị định 20); Số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 15.708/15.708 cháu, đạt 100% (vượt 15% so với yêu cầu Nghị định 20); Số trẻ 5 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục 17/20 cháu, đạt 85%.
Về phổ cập giáo dục tiểu học: Các trường xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, duy trì bền vững và nâng cao chất lượng PCGD Tiểu học đúng độ tuổi ở 100% các xã, phường, thị trấn; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Đến nay, toàn tỉnh có 150/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 99.33%, có 01 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt tỷ lệ 0,67% (xã Hang Kia của huyện Mai Châu). Có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 100%, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.
Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS): Đến nay, toàn tỉnh có 151/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có có 05 xã đạt chuẩn mức độ 2 gồm xã Hang Kia, Pà Cò, Thành Sơn, Sơn Thủy, Tân Thành của huyện Mai Châu, chiếm 3.31%; có 146 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3, chiếm 96.69%. Có 1/10 huyện đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 2 (Mai Châu) chiếm tỷ lệ 10%; có 9/10 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 3, đạt tỷ lệ 90%, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn mức độ 2
Về công tác xóa mù chữ: Toàn tỉnh hiện có 151/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Xóa mù chữ, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 1 xã đạt mức độ 1, chiếm 0.66% (xã Hang Kia huyện Mai Châu); có 150 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 99.44%. Có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn Xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn đạt tỷ lệ 100%, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn Xóa mù chữ mức độ 2
Mạng lưới trường lớp tiếp tục được tinh gọn theo hướng đầu tư tập trung, tăng quy mô, giảm điểm lẻ. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tăng về số lượng và nâng lên chất lượng. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư ngày một khang trang, sạch đẹp, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu dạy và học. Từ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; nhiều tiêu chí về phổ cập giáo dục và chống mù chữ đạt khá cao.
Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 29/9/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học,tỉnh Hoà Bình vẫn còn một số hạn chế. Cấp uỷ, chính quyền địa phương một số nơi chưa chú trọng lãnh, chỉ đạo công tác PCGD XMC, phân luồng học sinh. Một số cán bộ, giáo viên làm công tác PCGD do phải thay đổi nhiệm vụ nên chưa có nhiều kinh nghiệm về công tác điều tra, sử dụng Hệ thống thông tin quản lý PCGD dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm, số liệu còn phải rà soát lại nhiều lần. Cơ sở vật chất, trường lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu; chất lượng giáo dục toàn diện chưa đồng đều giữa các vùng; đổi mới giáo dục và đào tạo, áp dụng mô hình trường học mới còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc huy động học viên ra các lớp xóa mù chữ, lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, lớp bổ túc THCS còn khó khăn. Toàn tỉnh vẫn còn 768 người mù chữ mức độ 1, chiếm 0,13%; còn 5214 người mù chữ mức độ 2 chiếm 0,88%.
Để công tác PCGD và XMC thời gian tới đạt được kết quả cao hơn, BCĐ tỉnh tiếp tục tham mưu với tỉnh quan tâm công tác PCGD, XMC trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 29/9/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, vai trò của công tác PCGD, XMC. Tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tạo tiền đề nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Ngành GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác GD&ĐT nói chung và công tác PCGD, XMC nói riêng trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Thanh Huyền