Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ trong tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động rà soát, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.
Các cấp, các ngành cần rà soát lại các dự án, chương trình để xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tỷ trọng vốn ủy thác của ngân sách địa phương thực hiện theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg, ngày 04/01/2023 phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn vốn Trung ương, địa phương cho tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng. Tập trung huy động nguồn vốn tại địa phương, các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện, nguồn tiền chưa sử dụng từ các quỹ của các tổ chức, đơn vị gửi vào Ngân hàng chính sách nhằm tạo nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị và thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của các điểm giao dịch lưu động cấp xã; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp,… kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, bất cập, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai, giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.