Tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, nhằm hỗ trợ và tạo động lực phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, ban hành các văn bản chỉ đạo đến các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các bến xe, bến cảng thủy nội địa; các đơn vị có liên quan đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải nhằm đảm bảo chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời phục vụ phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hoà Bình đã quan tâm thực hiện các dự án công trình giao thông trong dó có các dự án công trình giao thông trọng điểm có tính đột phát tạo động lực phát triển và sức lan toả cho các ngành lĩnh vực khác. Một số dự án công trình giao thông trọng điểm đang triển khai thực hiện như: Dự án Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân chủ nối QL6 có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án Đường nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư khoảng 999 tỷ đồng; Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng; Dự án Đầu tư đường Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19-Km53 địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư 9.777 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển hạ tầng đường thủy nội địa và quản lý đồng bộ các tuyến nhánh ngập trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cũng như đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực hồ Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình công bố danh mục luồng đường thủy nội địa địa phương. Nhằm phát triển mạng lưới giao thông vận tải công cộng bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh và hệ thống các điểm dừng, đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón trả khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công bố Danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; các điểm dừng, đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón trả khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; công bố 03 bến xe khách trên địa bàn tỉnh, thực hiện công bố, gia hạn hoạt động đối với 08 bến thuỷ nội địa thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý góp phần nâng cao công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường thuỷ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra để hoàn thiện, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, đầu tư hạ tầng các bến cảng, bến xe khách theo quy hoạch, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp hệ thống bến xe khách, bãi đỗ xe, hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa để thực hiện việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ năm 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050.
Cùng với đó, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi. Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển. Đến nay, có tổng số 268 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải theo các loại hình với số phương tiện là 2.517 phương tiện (trong đó vận tải đường bộ khai thác 145 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh và liên tỉnh với tổng số phương tiện là 171 phương tiện, 05 tuyến xe buýt với 111 xe hoạt động, 441 phương tiện) phục vụ vận tải khách theo hợp đồng và 538 phương tiện vận tải khách bằng taxi với chất lượng phương tiện và phục vụ ngày càng được cải tiến, nâng lên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Phê duyệt công bố Danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; các điểm dừng, đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón trả khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó hiện nay đã đưa vào danh mục hệ thống các mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề với tổng số 14 tuyến buýt nội tỉnh, 05 tuyến buýt liên tỉnh, 06 tuyến cố định nội tỉnh, 88 vị trí đón, trả khách.
Căn cứ vào nhu cầu đi lại của Nhân dân, cùng với tiêu chí phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa. Thời gian qua đã thực hiện lựa chọn được đơn vị khai thác đối với 02 tuyến buýt từ thành phố Hoà Bình - Lạc Sơn (gồm xã Bình Hẻm và xã Tự Do, hai xã này đều là các xã vùng sâu vùng xa và trước đây chưa có hoạt động vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân), cụ thể: Tuyến buýt số 18 thành phố Hoà Bình (Yên Mông) - Lạc Sơn (Bình Hẻm) và tuyến buýt số 20 Lạc Sơn (xã Tự Do) - thành phố Hoà Bình. Hiện nay, tuyến buýt số 18, 20 đã được đưa vào hoạt động, khai thác theo quy định (kể từ ngày 28/4/2023). Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy Nhân dân rất ủng hộ, hưởng ứng, phấn khởi khi các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt này đi vào hoạt động góp phần phát triển hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Việc phát triển vận tải hành khách đường bộ luôn được quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng phương tiện. Đến nay lượng phương tiện đường bộ phục vụ hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, chất lượng phương tiện được nâng lên rõ rệt, các phương tiện vận tải đã dần hoạt động vào nề nếp, ngày càng đảm bảo chất lượng, đáp ứng từng bước nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Đinh Thân (BTGTU)