Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc
Giai đoạn 2021 - 2024, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai kịp thời,hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống tại vùng khó khăn. Các đối tượng đã được tiếp cận với chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ DTTS tự vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ.
Tính đến 31/5/2024, tổng dư nợ NHCSXH đạt 5.085,2 tỷ đồng/20 chương trình tín dụng. Trong giai đoạn 2021 - 2024 tổng doanh số cho vay đối với hộ nghèo đạt trên 883 tỷ đồng với gần 18 nghìn lượt hộ vay vốn, dư nợ hiện nay là trên 972 tỷ đồng; mức cho vay bình quân 50,4 triệu đồng/hộ, tăng 15,7 triệu đồng so với cuối năm 2020. Doanh số cho vay hộ cận nghèo đạt trên 755 tỷ đồng với gần 15,2 nghìn lượt hộ vay vốn, mức cho vay bình quân đạt 48,1 triệu đồng/hộ, tăng 13,8 triệu đồng so với năm 2020. Cho vay hộ mới thoát nghèo đạt doanh số đạt trên 479 tỷ đồng với 9.327 hộ vay, mức cho vay bình quân 48,7 triệu đồng/hộ.
Đối với chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 755/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chương trình đã hết thời gian thực hiện, dư nợ 15 triệu đồng, còn 1 hộ đang dư nợ. Với chương trình cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg được thực hiện từ năm 2028, tới nay đã hết thời gian thực hiện, dự nợ trên 18,6 tỷ đồng, với 517 hộ còn dư nợ. Với chương trình cho vay vùng DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ, doanh số cho vay hiện đạt trên 29,8 tỷ đồng với 541 lượt hộ vay vốn, dư nợ trên 29,2 tỷ đồng, với 526 hộ còn dư nợ.
Ngoài các chương trình trên, các đối tượng hộ nghèo, DTTS còn đang được tiếp cận với hầu hết các nguồn vốn tín dụng chính sách khác như: Cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nhà ở xã hội, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm… Nhờ đó trong giai đoạn 2021 - 2024 đã có trên 116 nghìn lượt vay vốn các chương trình tính dụng chính sách để sản xuất kinh doanh và phục vụ các nhu cầu khác. Luỹ kế đến cuối tháng 5/2024 có trên 102 nghìn hộ đang sử dụng vốn của NHCSXH. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương, hiện toàn tỉnh còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2%, giảm 6,29% so với năm 2021; số hộ cận nghèo toàn tỉnh còn 19.692 hộ, chiếm tỷ lệ 8,92%, giảm 1,73% so với năm 2021. Nguồn vốn của NHCSXH đã xây dựng được trên 64 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay vốn 346 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học; giải quyết việc làm cho 24.129 lao động; có 570 đối tượng được mua nhà ở chính sách xã hội…
Tại buổi giám sát, bên cạnh kết quả đã đạt được, các đại biểu nêu một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS như: Công tác rà soát bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh hàng năm còn chưa được chú trọng. Việc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác chưa thực hiện thường xuyên, chưa sâu và chất lượng chưa cao. Nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH còn thấp, mới chỉ chiếm 4% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH đang quản lý…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS trong giai đoạn 2021 đến nay. Khẳng định đây là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước để thực hiện an sinh xã hội. Từ nguồn vốn của các chương trình đã góp phần cho nhiều hộ có điều kiện tốt hơn trong thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo AN-QP địa phương. Từ những hạn chế đã nêu ra, đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị: NHCSXH, các sở, ngành chức năng, đơn vị nhận uỷ thác tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Huy động các nguồn lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý chắc các đối tượng cho vay. Chính sách tín dụng gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tăng chất lượng sử dụng nguồn vốn… Đối với những đề xuất, kiến nghị của NHCSXH tỉnh, Ban Dân tộc của HĐND tỉnh tổng hợp gửi đến các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Lê Thùy