Tại tỉnh Hòa Bình, công tác PCTN được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định. Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch theo hướng dẫn của Trung ương; thực hiện đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật. Việc tham gia của hệ thống chính trị, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp được phát huy nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Tỉnh Hoà Bình đã bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, triển khai Chiến lược Quốc gia về PCTN và Công ước Liên hợp quốc về PCTN; hàng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập tổ công tác đánh giá PCTN, tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định, kết quả đánh giá công tác PCTN hàng năm của tỉnh Hoà Bình đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận và đạt điểm số cao qua các kỳ đánh giá công tác PCTN từ năm 2019 đến nay. Ngoài ra tỉnh Hoà Bình còn chỉ đạo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đến cấp huyện, đây cũng là điểm sáng của cả nước.
Hoạt động giám sát công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN cũng được tỉnh Hoà Bình đặc biệt chú trọng. Trong giai đoạn từ 01/07/2019 đến 30/6/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành thanh tra tỉnh Hoà Bình tiến hành thanh tra, kiểm tra 262 cuộc thanh tra, với 339 đơn vị (đã ban hành kết luận 254 cuộc, chưa ban hành kết luận 08 cuộc) về trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, qua thanh tra đã phát hiện nhiều đơn vị để xảy ra sai sót trong công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN; công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công, quản lý ngân sách nhà nước,… Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác PCTN trên địa bàn.
Hàng năm UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung phải công khai qua các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các văn bản được công khai trên các trên công thông tin điện tử của tỉnh (hoabinh.gov.vn), trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố, sở, ngành (so...hoabinh.gov.vn), các thủ tục hành chính của tỉnh, huyện, xã được công khai tại Cổng Dịch vụ công của tỉnh (dichvucong.hoabinh.gov.vn). Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện công khai các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của cơ quan, đơn vị (vbdh.hoabinh.gov.vn). Hàng năm xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả cụ thể từ năm 2019 đến nay có 2.474 công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh Hòa Bình tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố để giảm đầu mối quản lý, giảm biên chế và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Đã phê duyệt được bản mô tả công việc và khung năng lực theo vị trí việc làm đối với 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Duy trì, đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại Chỉ số cải cách hành chính, mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; gắn với công tác thi đua, khen thưởng và đánh giá, phân loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kết nối liên thông phần mềm Văn phòng điện tử từ tỉnh đến xã và Trục liên thông văn bản quốc gia. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO tại 100% UBND các xã, thị trấn. Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế tiêu dùng tiền mặt: Tỷ lệ cơ quan, tổ chức đã chi trả lương qua tài khoản trên tổng số cơ quan, đơn vị trực thuộc đạt 94,9%, trong đó 100% các Sở, Ban, Ngành đã thực hiện việc trả lương qua tài khoản.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định. Trong kỳ báo cáo tỉnh Hoà Bình có tổng số 36.739 lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập. Thanh tra tỉnh đã xác minh tài sản thu nhập đối với 202 người được bốc thăm ngẫu nhiên, đã ban hành kết luận xác minh đối với 108 người, qua xác minh chưa phát hiện có trường hợp kê khai không trung thực.
Trong giai đoạn 05 năm 2019 - 2024, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn ngành Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã tiến hành đã triển khai 366 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng sai phạm về kinh tế phát hiện qua thanh tra là 80.696 triệu đồng, sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư XDCB như tính sai dự toán, thi công thiếu khối lượng, tính sai nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai; doanh nghiệp kê khai thiếu tiền thuế, chi ngân sách sai nguồn… trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 33.519 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 47.177 triệu đồng, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của 313 tập thể, 918 cá nhân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 73 đơn vị. Qua quá trình thanh tra đã phát hiện 11 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Thùy An (CTTĐT)