Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 03/10/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề,... Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU, sự nghiệp văn hoá của tỉnh đã có những bước phát triển mới, từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển.
Các địa phương, đơn vị coi trọng biệc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án,… bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị di sản văn hoá dân tộc. Tỉnh đầu tư bảo tồn 01 làng văn hoá truyền thống; các Khu không gian bảo tồn văn hoá và hàng chục điểm văn hoá du lịch cộng đồng; thực hiện nhiều đề tài khoa học về văn hoá dân tộc; mở được các lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, dạy chữ dân tộc,... Công tác trùng tu tôn tạo, xếp hạng di tích, phục dựng và duy trì lễ hội dân gian truyền thống được đẩy mạnh. Các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: Mo Mường; nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường; Lịch Tre dân tộc Mường; hát Thường đang, bộ mẹng; hát Sắc bùa; múa Keng Loóng; múa Khắp,... được phục dựng, phát huy trong đời sống của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Đến nay, tỉnh có 5 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Mo Mường Hoà Bình, Nghệ thuật Chiêng Mường Hoà Bình (năm 2016); Tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình, Lễ hội truyền thống Khai hạ của người Mường Hoà Bình (năm 2022); Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng của người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình (năm 2023). Trong đó, di sản văn hoá Mo Mường có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, chứa đựng nhiều giá trị vô cùng đặc sắc, quý giá đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp; đến nay, hồ sơ đã hoàn thành và Chính phủ đã có văn bản đồng ý gửi hồ sơ đến tổ chức UNESCO xem xét. Hiện tỉnh đang hoàn thiện 02 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia là: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường; di sản Thường đang, bộ mẹng dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình. Năm 2024, di tích khảo cổ Hang Xóm Trại (xã Tân Lập) và Mái đá làng Vành (xã Yên Phú) thuộc huyện Lạc Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024 của Chính phủ).
Hệ thống di sản văn hoá của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã và đang từng bước được khảo sát, nghiên cứu, trùng tu, phục dựng, truyền dạy, lưu giữ. Việc phát huy được gắn với phát triển du lịch. Một số mô hình làng, bản văn hoá truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Bản Lác, Bản Văn, Bản Poom Coọng, Bản Bước, Bản Hịch (huyện Mai Châu); Xóm Đá Bia, Xóm Ké, Xóm Sưng (huyện Đà Bắc); Xóm Ngòi, Xóm Chiến (huyện Tân Lạc),… Tỉnh đã phê duyệt dự án “Khu bảo tồn không gian văn hoá Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong”; chỉ đạo quy hoạch đầu tư xây dựng “Khu bảo tồn không gian văn hoá dân tộc Mường tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn”; khu Bảo tồn không gian di sản văn hoá dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc,… Có thể nói, các giá trị văn hoá trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có sự giao thoa, kết hợp, tiếp thu giá trị văn hoá vùng miền, trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững.
Văn Hoá (BTGTU)
Tag:
File đính kèm