Sign In

Kế hoạch thực hiện Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới

14:53 07/10/2024
Thực hiện Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 04/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 275-KH/TU về thực hiện Kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu đến năm 2025: 100% Trung tâm Y tế có Khoa Y học cổ truyền hoặc Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng; 95% trạm Y tế xã, phường, thị trấn triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25%, tuyến xã đạt 30%. Tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc đạt tối thiểu 20%. Có 100% cán bộ được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Hoàn thiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; 50% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền tuyến tỉnh được đầu tư mua sắm trang thiết bị bào chế thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.Đến năm 2030: 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tuyến tỉnh đạt 25%; tuyến huyện đạt 30%, tuyến xã đạt 40%. Tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế đạt 30% tổng số chi phí cho thuốc, trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. 100% bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y học hiện đại cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thành Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền; duy trì phát triển Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Khoa Y học cổ truyền hoặc Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền và bào chế thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

Nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp, đó là:

Tiếp tục học tập quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW và các chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản cụ thể hóa của Ủy ban Nhân dân tỉnh gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng đối với việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông tỉnh, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y học cổ truyền, giúp Nhân dân hiểu đúng về tác dụng và hiệu quả của thuốc, phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền; tổ chức phổ biến kiến thức về cây thuốc, phương pháp châm cứu, xoa bóp đơn giản phòng, chữa một số bệnh thông thường cho Nhân dân.

Quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ y, bác sĩ, lương y, lương dược gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Bố trí cán bộ chuyên trách về y học cổ truyền tại Sở Y tế, cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách y học cổ truyền tại các trung tâm y tế huyện, thành phố. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ ngành y dược cổ truyền, nhất là ở tuyến y tế cơ sở để đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực y dược cổ truyền; có chính sách thu hút đội ngũ y, bác sĩ y học cổ truyền công tác tại y tế cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình hành nghề y dược cổ truyền phát triển.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế; tiếp tục xây dựng cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện Y học cổ truyền theo Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 11/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về Đông y: Cụ thể hoá chính sách về y học cổ truyền; đổi mới hệ thống quản lý, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của y học cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khoẻ. Tăng cường đầu tư, chú trọng đào tạo, phát triển lương y, lương dược, bố trí đủ nhân lực từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền Y học cổ truyền tỉnh. Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại sử dụng hiệu quả các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ Nhân dân đã được chứng minh. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dược liệu, thuốc y học cổ truyền liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong y học cổ truyền.

Tăng cường vai trò Hội Đông y các cấp, khuyến khích phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân: Hội Đông y các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát triển nền y học cổ truyền; tập trung thực hiện tốt công tác thừa kế, phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, các phương pháp chữa bệnh hiệu quả cao. Củng cố, kiện toàn các tổ chức hội, các tổ, phòng chẩn trị hiện có; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, gương điển hình trong phát triển nền y học cổ truyền. Khuyến khích các lương y gia truyền đóng góp tài năng và kinh nghiệm vào công tác phòng và chữa bệnh cho Nhân dân bằng y học cổ truyền. Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam".

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xây dựng các đề tài về Đông y: Chọn lọc đề tài để trao đổi, học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện cho đội ngũ này tham dự các hội nghị khoa học kỹ thuật về y dược cổ truyền trong và ngoài tỉnh. Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị. Thực hiện tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu theo quy định đối với các bài thuốc gia truyền, những kinh nghiệm quý… khuyến khích, động viên các lương y giỏi truyền thụ y thuật cho con cháu, hội viên có tâm huyết nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu; đề xuất chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với nghiên cứu khoa học, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến; chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý dược liệu, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO); giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của y học cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khoẻ. Phát huy vai trò của các hiệp hội, các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền và du lịch xây dựng các vùng trồng và phát triển dược liệu, vườn cây thuốc gắn với hoạt động du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…; tham gia tích cực trong việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch, tạo thành chuỗi liên kết giữa y tế, du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm và đối tượng sử dụng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai công tác phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y tỉnh. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, rà soát và nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y tỉnh.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo chức năng nhiệm vụ và và tình hình nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quán triệt đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân nội dung Kế hoạch, theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện Kế hoạch; phát huy vai trò giám sát, phản biện về công tác phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW, Kết luận số 86-KL/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; định hướng các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tham mưu sơ kết, tổng kết theo quy định.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả kiểm tra, giám sát theo quy định.

Việt Hà (VPTU)

 

 

Tag:

File đính kèm