Sign In

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới

14:04 05/11/2024
Trong những năm qua, thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”, các đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận trong Nhân dân.

Tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tham gia, phối hợp, thực hiện các chương trình, dự án huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Qua đó hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành các vùng sản xuất: lúa, màu, cây ăn quả, cây dược liệu, rau, củ, quả,... từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp dần sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, VietGap,... phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của từng địa phương theo hướng xuất khẩu. Trong 03 năm thực hiện Đề án đã xây dựng mới 15 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố (đạt 150%), 101 sản phẩm OCOP5 (đạt 126%), tổ chức 77 cuộc xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm (đạt 100%), xây dựng 677 mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả (đạt 203%); 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu (đạt 185%), 258 vườn mẫu (đạt 645%). Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng 1,87 lần (đạt 87%); có 129/151 cơ sở (đạt 85,4%) có ít nhất 01 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện; số hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và số hộ đạt so với hộ đăng ký đạt 100% so với đề án.
 
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo việc sắp xếp, quy hoạch cán bộ Hội các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh không ngừng củng cố, xây dựng, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất về hành động, thực sự là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh có hệ thống 3 cấp, từ tỉnh đến cơ sở với 10 Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện, thành phố; 151 Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở (xã, phường, thị trấn), tăng 01 cơ sở so với năm 2021; 1.426 chi hội; 2.370 tổ hội và 130.985 hội viên. Chất lượng hoạt động của các cấp Hội từng bước được nâng lên, kết quả bình xét hằng năm, số cơ sở xếp loại vững mạnh và khá đạt trên 85%, không có cơ sở yếu kém. Bộ máy tổ chức các cấp Hội được củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Hằng năm, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bố trí cán bộ được quan tâm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; năng lực đội ngũ cán bộ các cấp Hội được nâng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, có kỹ năng tuyên truyền, vận động, tập hợp và thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Xây dựng được mẫu hình người nông dân là chủ thể ở nông thôn, có trình độ quản lý, có kiến thức về khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 100% cơ sở Hội vận động hội viên phát triển quỹ hội với nhiều hình thức gây quỹ. Tổng số quỹ hội toàn tỉnh 12,335 tỷ đồng, bình quân đạt 94.168 đồng/hội viên.
 
Các sở, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 52.598 hội viên, nông dân về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản,… đẩy mạnh việc chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm công lao động, đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các cấp, các ngành tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương.
 
Hội Nông dân các cấp phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào chất lượng tốt trong nông nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân (giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp,...) theo phương thức trả chậm phục vụ sản xuất phát triển kinh tế; phối hợp với các đơn vị, tổ chức các hoạt động hỗ trợ tín chấp cung ứng 9.913 tấn phân bón, 195 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 3.784 tấn thức ăn chăn nuôi, 4.146 tấn ngô, lúa giống và 184 máy nông nghiệp,... đạt kết quả.
 
Công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát động thi đua tham gia các hoạt động thực hiện bảo vệ môi trường ở nông thôn, đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” tích cực duy trì phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh” gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu với hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tích cực thực hiện phong trào “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kết quả đã vận động hội viên nông dân phát huy nội lực, đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng; duy trì và xây dựng mới 730 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. Tiếp tục vận động hội viên nông dân trồng “hàng cây nông dân”, đã xây dựng được 331 hàng cây có gắn biển của Hội; vận động hội viên nông dân đăng ký “Gia đình văn hóa”, kết quả bình quân hàng năm có hơn 120.000 hộ đăng ký góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
 
Qua 3 năm thực hiện Đề án, nhiều mô hình kinh tế phát huy được hiệu quả như: Mô hình sản xuất hạt giống của Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Bình Sơn; sản xuất ớt xuất khẩu của Hợp tác xã nông nghiệp xanh Kim Bôi (huyện Kim Bôi),... Hội Nông dân các cấp đoàn kết, phát triển vững mạnh về mọi mặt, đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất, kinh doanh của nông dân không ngừng đổi mới, phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đưa nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của tỉnh. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, tỉ lệ hộ nghèo giảm, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực đáng phấn khởi, cơ sở hạ tầng xã hội được xây dựng theo quy hoạch ngày càng khang trang, hiện đại, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.
Thái Sơn (BTGTU)
 
 
 

Tag:

File đính kèm