Sign In

Một số kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh

09:31 21/11/2024
Để cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 15/12/2022 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Kịp thời lãnh đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 96/NQ-CP và Chương trình hành động của cấp ủy tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND, ngày 07/02/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 01/8/2022 của Chính phủ, Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 15/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 11-Q/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực, cụ thể như: Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; Quyết định số 1014/QĐ-UBND, ngày 19/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 244/KH-UBND, ngày 31/12/2021 về thực hiện Quyết định 174/QĐ-TTg, ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 1317/QĐ-UBND, ngày 30/6/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025…
 
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cập nhật các định hướng phát triển của các Quy hoạch cấp quốc gia, định hướng phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW và các quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rà soát, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xin ý kiến Bộ, ngành trung ương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đồng thời chỉ đạo tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc và các tỉnh trong vùng. Lãnh đạo tham gia các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thành lập Tổ điều phối cấp tỉnh để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh trong Hội đồng điều phối vùng. Lãnh đạo ban hành các cơ chế, chính sách2 nhằm huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm, dự án đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); Đường từ Quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch huyện Lương Sơn... Hoàn thiện thủ tục, thực hiện khởi công dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung lãnh đạo phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường; đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong năm 2023, 2024, tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hằng năm đạt trên 4%/năm. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao; việc tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ rệt, một số sản phẩm chủ lực (Mía, Măng, Chè, Cháo, Ớt, Lâm sản...) đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Hà Lan, Hàn Quốc,...). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện có chiều sâu và đảm bảo thực chất. Đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển bền vững rừng sản xuất. Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 2,69 nghìn ha diện tích mặt nước và 4,98 nghìn lồng nuôi cá; tỷ lệ che phủ rừng duy trì đạt trên 51,5%. Lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng qua các năm, từ 37,41% năm 2022 lên 39,47% năm 2023, ước đạt 40,97% năm 2024 và có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp. Trong năm 2024 có 08 dự án mới đầu tư vào khu công nghiệp, doanh thu ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho khoảng 700 lao động. Tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển các loại hình du lịch nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm. Một số dự án đầu tư lớn đã được khởi công như: Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa; dự án Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội... Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng… Trong năm 2023 và 2024, lĩnh vực du lịch từng bước phục hồi. Lũy kế đến hết năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 498 cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch; năm 2023 tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ khách du lịch đạt 4.000 tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm ngành hàng: Điện tử, dệt may và nông sản. 
 
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 708 dự án; trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 668 triệu USD và 671 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 250.000 tỷ đồng; có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 5.500 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, ước có 375 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 22%, số vốn đăng ký tăng 40%; có 15 dự án đầu tư được cấp mới (bao gồm 05 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và 10 dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), 06 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 17 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư; tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.500 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước số dự án cấp mới tăng 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng khoảng 8.000 tỷ đồng.
Phương Thảo (BTGTU)
 
 
 

Tag:

File đính kèm