Sign In

Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình

14:17 20/06/2024
Để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, gồm 07 chương trình cụ thể, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị trong từng năm.

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giáo dục và đào tạo được coi là khâu đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU, công tác đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi ở tất cả các ngành học, bậc học. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, học viên và học sinh, sinh viên theo các quy định của Nhà nước; công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên trong các trường học, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch, bổ nhiệm của từng giai đoạn được chú trọng. Kết quả, sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU, tỉnh đã cử 135.035 cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số…
 
Các cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo tốt việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tiên tiến để nâng cao hiệu quả giờ học. Tập trung cao cho việc dạy cách học, rèn luyện phương pháp tự học; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, kỹ năng. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật và ý thức công dân cho học sinh sinh viên; Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp với phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong tỉnh. 
 
Công tác đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học được quan tâm. Kết quả chung của ngành về chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục ổn định và có bước phát triển phù hợp với tiêu chí phát triển năng lực người học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông trung bình đạt trên 95%; điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong những năm gần đây liên tục được nâng lên.
 
Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư, xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Tỉ lệ huy động học sinh đến trường tăng hằng năm. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, củng cố. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.
 
Công tác đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng được quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, theo đúng quy định; Việc phân định giữa quản lý Nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục được đẩy mạnh, do đó ngày càng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; điều này giúp đảm bảo sự linh hoạt và tự chủ trong quản lý giáo dục cũng như sự thống nhất và đồng nhất trong việc thực thi chính sách giáo dục của ngành. Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục được 276 cơ sở giáo dục.
 
Việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo được trú trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, hoạt động xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo chất lượng, trình độ đạt chuẩn của đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh tăng lên hằng năm theo từng giai đoạn. Đội ngũ nhà giáo khối giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) hiện có 888 người, về trình độ đào tạo: Trên đại học 146 người; Đại học 499 người; trình độ khác 243 người. Tổng số cán bộ quản lý về công tác giáo dục nghề nghiệp là 185 người, trong đó: Trình độ trên đại học 84 người; trình độ đại học 94 người; trình độ cao đẳng 3 người; trình độ trung cấp 4 người; Trong đó: Số cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý là 83 người.
 
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục quan tâm và ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng và phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 23-CTr/TU với quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó, mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo hằng năm luôn đạt khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể tổng chi ngân sách của địa phương cho giáo dục giai đoạn 2013 - 2022 đạt khoảng 30.614.108 triệu đồng, trong đó chi thường xuyên chiếm khoảng 27.355.410 triệu đồng, chi đầu tư là 3.258.638 triệu đồng. Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 bố trí vốn đầu tư là 1.520.574 triệu đồng (trong đó đầu tư xây dựng 1.108.850 triệu đồng, mua sắm thiết bị 411.724 triệu đồng).
 
Nhận thức của xã hội về công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng xã hội học tập và thực hiện mục tiêu Phổ cập Giáo dục toàn dân; phát triển giáo dục, ổn định chính trị - xã hội, tạo niềm tin đối với xã hội, tạo cơ hội công bằng trong giáo dục.
 
Kết quả thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường học: Tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 8.561 phòng học (khối các trường mầm non, phổ thông là 8.285 phòng; khối các trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường Cao đẳng sư phạm là 276 phòng). Tỷ lệ phòng học kiên cố ngày càng được nâng lên; số phòng học tạm, học nhờ ngày càng giảm.
 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể với ngành Giáo dục và Đào tạo; Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo; đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học; Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục; Đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra; tăng cường công tác thi đua khen thưởng.
Thu Trang
 
 
 

Tag:

File đính kèm