Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị
Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045 đã lấy trục sông Đà làm trục trung tâm phát triển của thành phố Hòa Bình đồng thời phát triển dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình, đồng thời phát triển dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình Cụ thể như sau: Khu vực dọc hai bờ sông Đà: Tập trung chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, phát triển các khu đất thương mại - dịch vụ, tòa nhà hỗn hợp, du lịch, một số khu đô thị, khu nhà ở mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, công viên cây xanh, bến thuyền du lịch, phố đi bộ ven sông Đà; Khu dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, sân golf, công viên, một số khu đô thị, khu nhà ở mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Phát triển du lịch, sân golf.Về phát triển cảnh quan, kiến trúc 02 bên bờ sông Đà nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại được định hướng cụ thể như sau: Đối với các khu dân cư hiện hữu: Giữ nguyên, cải tạo, chỉnh trang. Đối với khu dân cư mới đã lựa chọn nhà đầu tư: Giữ nguyên theo Quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tại phường Thịnh Lang: Bổ sung bến thuyền du lịch, cải tạo chỉnh trang vườn hoa trước cửa Nhà văn hóa thành phố. Tại phường Tân Hòa: Quy hoạch là đất hỗn hợp. Tại phường Trung Minh: Quy hoạch đường giao thông ven sông kết hợp xây dựng mới công viên, bãi đỗ xe. Tại xã Yên Mông: Quy hoạch là đất hỗn hợp, thương mại - dịch vụ, du lịch, cảng tổng hợp đón khách du lịch. Tại phường Kỳ Sơn: Đất hỗn hợp, công viên cây xanh , dịch vụ - công cộng đô thị, bổ sung bến thuyền du lịch. Tại xã Hợp Thành: Đất du lịch, công viên cây xanh, hỗn hợp. Tại xã Hợp Thành: Đất du lịch, dịch vụ - công cộng đô thị, đất ở mới, hạ tầng kỹ thuật.
Toàn thành phố Hòa Bình được chia thành 6 khu gồm có: Khu 1: Trung tâm đô thị hành chính thành phố Hòa Bình; Khu 2: Trung tâm đô thị hành chính tỉnh Hòa Bình; Khu 3: Đô thị Trung chuyển - Dịch vụ - Du lịch; Khu 4: Khu đô thị công nghiệp cửa ngõ phía Bắc; Khu 5: Khu sinh thái phía Tây thành phố Hòa Bình; Khu 6: Khu sinh thái phía Đông thành phố Hòa Bình. Ngoài ra, trong Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045 đã bố trí quỹ đất cho giáo dục, y tế, thể thao, công viên, bãi đỗ xe.
Tại hội nghị, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh nhất trí cao đối với Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045, đồng thời cho ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án nhằm đảm bảo tính kế thừa với các quy hoạch trước, tính khả thi và phù hợp với các quy hoạch vùng lân cận.
Hội nghị cũng được nghe và đóng góp ý kiến đối với công trình Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Hòa Bình.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp công sức, trí tuệ của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Thành phố Hòa Bình là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, của tỉnh. Việc lập Quy hoạch chung đô thị thành phố Hòa Bình sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành đô thị văn minh, hiện đại, hài hòa, bền vững có kiến trúc xanh, tiên tiến, mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình; đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố. Làm cơ sở để chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị triển khai quy hoạch phân khu, lập các dự án đầu tư xây dựng, là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của thành phố theo quy hoạch được duyệt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị và đề nghị Thành ủy Hòa Bình, Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các sở, ngành chức năng tiếp thu, hoàn thiện Đồ án quy hoạch theo quy định. Đồng chí Bí thư cũng đề nghị việc xây dựng Quy hoạch phải trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai của thành phố; thực hiện quản tốt quy hoạch, quán triệt quan điểm bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc Mường; bố trí quỹ đất phục vụ người dân Hòa Bình về: giáo dục, y tế, nước sạch, nghĩa trang, xử lý chất thải; tăng cường chỉnh trang cảnh quan đô thị, tôn tạo, trồng nhiều cây xanh; mở rộng các tuyến đường kết nối…
Thùy An (CTTĐT)