Tỉnhtiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế về tài nguyên như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản... và các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường và lao động như: Điện tử, may mặc, lắp ráp cơ khí; sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, dược phẩm...; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp từ hình thức gia công, từng bước chuyển sang sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành và sản phẩm; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh Hòa Bình gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mở rộng các chủng loại hàng hóa, dịch vụ phù hợp với lợi thế của từng địa bàn; chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 125 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 02 sản phẩm đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá phân hạng 5 sao.
Theo phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 16 khu công nghiệp với tổng diện tích là 3.904,18 ha (trong đó, có 08 khu công nghiệp đã được quy hoạch từ giai đoạn trước và bổ sung 08 khu công nghiệp mới). Đến nay, 05/16 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch và Bình Phú); 03 khu công nghiệp (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 01 khu công nghiệp (Bờ trái sông Đà) có khu nhà ở công nhân, lao động; triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu (đường vào, đường trục chính,...) tại KCN Bình Phú, Yên Quang; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 537,17ha (tại các KCN Bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh, Yên Quang, Bình Phú và Nhuận Trạch) và đang triển khai quy trình, thủ tục tiếp tục giải phóng mặt bằng khoảng 48ha KCN Nhuận Trạch, 67ha KCN Bình Phú và 30ha KCN Yên Quang. Lũy kế đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp là 110 dự án; trong đó, có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 362,77 triệu USD và 84 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 16.036,69 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư phát triển hạ tầng đạt 53,6%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.209,03ha; trong đó, có 17 cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch trước (09 cụm công nghiệp giữ nguyên diện tích, 07 cụm công nghiệp mở rộng diện tích, 01 cụm công nghiệp giảm diện tích) và 21 cụm công nghiệp bổ sung mới. Đến nay, có 15/38 cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập với diện tích 705,05 ha (trong đó, có 11 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 04 cụm công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư), tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng; triển khai đầu tư xây dựng 03 trạm xử lý nước thải tập trung. Từ năm 2021 đến nay, đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 23 dự án trong cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 2.803,96 tỷ đồng, nâng tổng các dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp lên 40 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.597,46 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 41,3%.
Bên cạnh đó, hạ tầng cung cấp điện đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng của tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia qua 08 trạm biến áp 110kV với 13 máy biến áp, tổng công suất 439MVA; ngoài ra còn được cấp điện từ mạch vòng 35kV từ trạm 110kV Xi măng X18. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh có chiều dài 8.400,7km; đường dây trung thế dài 2.835km và 4.612,5km đường dây hạ áp và 2672 trạm biến áp/2750 máy biến áp với tổng dung lương 797,44MVA. Lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh cơ bản được liên kết mạch vòng với các trạm biến áp trong tỉnh và một số địa phương lân cận như: Sơn La, Ninh Bình, Hà Nội. Trong giai đoạn từ năm 2021-2023, hạ tầng cấp điện luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo nhằm đáp ứng xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2023, hoạt động khuyến công thực hiện được 17 đề án với tổng kinh phí là 13,945 tỷ đồng (trong đó kinh phí khuyến công là 6,785 tỷ đồng, kinh phí tự bảo đảm của đơn vị thụ hưởng là 7,16 tỷ đồng). Thông qua các chương trình, hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế phát triển của tỉnh; khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn định hướng đầu tư đúng đắn, có hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết quả sau 03 năm thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 0,41%/năm, đạt 4,56% mục tiêu của đề án; Diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp (khu, cụm công nghiệp) khoảng 6.113,48 ha, đạt 132,9% mục tiêu của đề án; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2023 đạt 39,47%, đạt 73,09% mục tiêu của đề án; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%, đạt 100,1% mục tiêu của đề án; Tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp là 46,77%, đạt 58,46% mục tiêu đề án; các cụm công nghiệp là 41,3%, đạt 82,4% mục tiêu của đề án. Đến nay, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó: Có 02 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến (02 làng nghề nấu rượu); 07 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát (gồm: 01 làng nghề truyền thống mây tre đan và 6 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm); 02 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (01 làng nghề chế tác đá cảnh, 01 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh). Tổng số lao động của các làng nghề khoảng 1.300 người.
Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới, tỉnh cầntiếp tụcxây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp nằm trong vùng động lực và các dự án trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và người dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án khuyến công. Thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện quy hoạch để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động...
Bảo An