Người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững đã được lồng ghép để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Xã vùng cao Vân Sơn, huyện Tân Lạc, một trong ba xã thuộc phạm vi thực hiện Đề án “Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Công tác tuyên truyền được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện. Thời gian qua đã mở được 03 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cho 287 hộ dân của 03 xóm chọn làm điểm du lịch cộng đồng mẫu tại 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc. Tuyên truyền để người dân ý thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tân Lạc tích hợp các tuyến đường kết nối phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đề xuất kéo dài tuyến ĐT.440 sang kết nối với ĐT.512B địa phận tỉnh Thanh Hoá để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương của tỉnh Hoà Bình nói chung và các xã vùng cao của huyện Tân Lạc nói riêng. Triển khai Dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tân Lạc cho 15 thôn thuộc 06 xã (Đông Lai, Ngọc Mỹ, Vân Sơn, Phú Cường, Phú Vinh, Suối Hoa) với quy mô: Xây dựng mới 15,331 km đường dây trung áp; xây dựng mới và cải tạo 35,8 km đường dây hạ áp 14 TBA với tổng công suất 1.660 kVA với tổng mức đầu tư 43,931 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành trong quý IV năm 2024. Đề xuất dự án sửa chữa đường điện Động Nam Sơn, xã Vân Sơn và các hoạt động quảng bá từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch đồng bộ, chất lượng, bao gồm: Cơ sở lưu trú, không gian tổ chức sự kiện, biểu diễn văn hóa văn nghệ, điểm đến cho du khách tại những nơi có cảnh quan đẹp.
Tỉnh tập trung đầu tư, chỉ đạo xây dựng 03 điểm du lịch cộng đồng mẫu (Xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn; xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến; xóm Luông Cá, xã Ngổ Luông), các điểm dừng chân ngắm cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch. Tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ dân đầu tư loại hình du lịch cộng đồng gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các hộ gia đình xây dựng loại hình dịch vụ lưu trú Homestay tại xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn và xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến; kết quả, có 03 hộ đã và đang hoàn thiện cơ sở lưu trú, trong đó, có 01 hộ tại xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến đã đi vào hoạt động và thu hút rất đông khách du lịch đến lưu trú và thăm quan Thác Thung, điểm Camping Bãi Pặng. Bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ, hỗ trợ trang thiết bị cho 09 nhà văn hoá khu dân cư thuộc xã Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông, huyện Tân Lạc.
Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hòa Bình, năm 2024 huyện Tân Lạc có 08 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, 6 tháng đầu năm 2024, tiếp tục duy trì 08 mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn 3 xã vùng cao gồm: Chăn nuôi lợn sinh sản, nuôi vịt bản địa, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị rau củ quả an toàn tại xã Quyết Chiến; chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn bản địa sinh sản, trồng cây dược liệu (sâm bảy lá), dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây dược liệu (nghệ đen, sâm bố chính, tía tô, nhân trần) tại xã Ngổ Luông; mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm Quýt Nam Sơn tại xã Vân Sơn. Hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, Global GAP, ISO tại các xã vùng cao có 01 cơ sở chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm chè Shan tuyết (diện tích: 38 ha), năm 2024 xây dựng thêm 01 chuỗi rau củ quả của xã Quyết Chiến.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, mở được 06 lớp tập huấn du lịch với 356 học viên, đưa học viên đi thực tế tại các địa bàn có mô hình du lịch cộng đồng có nét tương đồng với điều kiện kinh tế - xã hội của 3 xã vùng cao. Quan tâm lựa chọn lao động hợp lý gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, góp phần nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn huyện nói chung, các xã vùng cao của huyện Tân Lạc nói riêng.
Bên cạnh đó, chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quản lý đất đai đảm bảo đúng quy định, rà soát xây dựng quy hoạch quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất phục vụ lập hồ sơ khoanh vùng xác định ranh giới trên bản đồ, xây dựng quy hoạch khu du lịch cấp tỉnh; Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc; Xin ý kiến nội dung lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc; ngăn chặn các tổ chức, cá nhân mua gom đất và đầu cơ đất bất hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, lưu trú trái phép.Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên, cảnh quan tại; đảm bảo an ninh, quốc phòng, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, phòng, chống cháy nổ theo quy định; rà soát hương ước, quy ước khu dân cư để tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành tốt việc xây dựng thực hiện Đề án; 6 tháng đầu năm 2024 không có trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến du lịch tại vùng cao.
Lê Thùy