Từng cấp, từng ngành đã chú trọng, tích cực hơn trong việc đề ra các chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai cuộc vận động kịp thời, nên đã thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các câp ủy Đảng và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội đã quan tâm hưởng ứng Cuộc vận động, trong trang bị mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm hàng Việt, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín. Việc thực hiện triển khai tốt Cuộc vận động đã làm chuyển biến tư duy và trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng có chất lượng tốt, mẫu mã hợp thị hiếu, giá thành hợp lý, tăng cường chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng, đã chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, hạn chế tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra việc niêm yết giá; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam (tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng) để người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng hàng Việt. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được người tiêu dùng đón nhận rất nồng nhiệt, đây là cơ hội để Nhân dân tham quan, mua sắm, tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó người dân có dịp so sánh chất lượng hàng nội với hàng ngoại cùng chủng loại để có cái nhìn đúng đắn đối với hàng nội, từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất, từ đó các doanh nghiệp được tiếp cận thị trường nông thôn để quảng bá nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, đánh giá chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với đối tác, đồng thời nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng, từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.
Mặt khác, trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã tích cực chủ động rà soát tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng hóa, sản phẩm được sản xuất trong tỉnh. Đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh hợp lý các chính sách tài chính, thuế... tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Đồng thời ban hành các văn bản đơn vị để cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm, hàng hóa ra thị trường; thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phục vụ Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công.
Toàn tỉnh trung bình hàng năm tổ chức từ 9 đến 10 Hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt năm 2011, tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế và năm 2015 tổ chức Hội chợ vùng Tây Bắc - Hòa Bình thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có quy mô lớn, trên 300 gian hàng với gần 200 doanh nghiệp tham gia, trị giá hàng bán tại hội chợ khoảng 5 đến 7 tỷ đồng; năm 2016 tổ chức thành công Hội chợ triển lãm sản phẩm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Hàng tiêu dùng - khu vực miền Bắc, tỉnh Hoà Bình thuộc chương trình khuyến công quốc gia, quy mô 200 gian hàng của 80-100 doanh nghiệp tham gia, trị giá hàng bán tại hội chợ khoảng 4-5 tỷ đồng; Năm 2018 tổ chức Hội chợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng tiêu dùng khu vực Miền Bắc tỉnh Hòa Bình thuộc chương trình khuyến công quốc gia, quy mô 230 gian hàng của 80-100 doanh nghiệp tham gia, trị giá hàng bán tại Hội chợ khoảng 5-6 tỷ đồng; năm 2022 tổ chức thành công Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia có quy mô lớn, trên 200 gian hàng với gần 100 doanh nghiệp tham gia, trị giá bán hàng tại hội chợ khoảng từ 5-7 tỷ đồng; đặc biệt năm 2023, tổ chức Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc có quy mô hơn 200 gian hàng. Riêng tỉnh Hòa Bình có 121 gian hàng, trong đó 20 gian hàng chuyên về cá tôm sông Đà và các sản phẩm chế biến từ cá đã thu hút hơn 300 nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Thông qua hội chợ đã giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của tỉnh tham gia các Hội chợ tại các tỉnh trong cả nước được các ngành, đơn vị vận động và hướng dẫn tổ chức được thực hiện thường xuyên trong các năm. Kết quả sau 15 năm đã hỗ trợ cho hơn 500 lượt doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia tại các tỉnh và thành phố trong cả nước với trên 900 gian hàng. Phối hợp tổ chức các đoàn tham gia kết nối cung cầu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước. Các hoạt động kết nối đã giúp các doanh nghiệp địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm được đầu ra, phát triển sản xuất. Một số sản phẩm tiêu biểu được tham gia kết nối cung cầu: Rượu Mường Đình, Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Măng Kim Bôi, Cao xạ đen, chè giảo cổ lam, chè san tuyết, hạt sachi...
Bên cạnh đó, hoạt động tổ chức Hội nghị, hội thảo, kết nối tiêu thụ sản phẩm, chương trình xúc tiến thương mại đã được các ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Trong 15 năm qua, đã tổ chức được 47 cuộc hội thảo, toạ đàm về định hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu Hoà Bình; Hội thảo khoa học “Chỉ dẫn địa lý Cam Cao Phong gắn với phát triển KT-XH hiệu quả và bền vững”; Hội thảo về thông tin thị trường tiêu thụ các sản phẩm Nông nghiệp tỉnh Hoà Bình, Lễ hội cây ăn quả có múi và Hội chợ nông nghiệp tỉnh Hòa Bình; Hội thảo biến đổi gen giống ngô DK6818-691987..
Công tác khuyến công đã hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, đào tạo tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động. Trong 15 năm đã hỗ trợ 20 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề như tăm hương xuất khẩu; dệt thổ cẩm truyền thống, thêu Ren, chổi chít xuất khẩu... với kinh phí hỗ trợ 3.452,35 triệu đồng; hỗ trợ 01 đề án nâng cao quản lý cho cho các cơ sở công nghiệp, kinh phí 68 triệu đồng; hỗ trợ 31 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí 10.092,20 triệu đồng; hỗ trợ 11 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tồng kinh phí 4.893,85 triệu đồng; hỗ trợ 15 mô hình trình diễn trồng khảo nghiệm các giống lúa, ngô mới, cải tạo vườn tạp; hỗ trợ xây dựng 4 mô hình điểm áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại các huyện, thành phố.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, điều hành và phối họp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; Cuộc vận động được triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu và từng bước đi vào cuộc sống của các tầng lóp Nhân dân, các cấp các ngành, MTTQ và các đoàn thế chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc về Cuộc vận động. Cuộc vận động tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Vũ Vinh (BTGTU)