Chương trình phát triển đô thị thành phố Hòa Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 được xây dựng trên quan điểm phát triển đô thị thành phố Hoà Bình phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Quốc gia; định hướng quy hoạch hệ thống đô thị trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của thành phố nhằm khai thác tối đa các động lực phát triển đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, theo quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hòa Bình được xác định là đô thị cửa ngõ phía Tây của Vùng thủ đô Hà Nội, trung tâm cung cấp dịch vụ đô thị và hạ tầng cơ sở du lịch khu vực phía Tây Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội, là hạt nhân thúc đẩy phát triển vùng giao thoa giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ hội để Hòa Bình và các tỉnh trong vùng phát triển mạnh và toàn diện, trên cơ sở có sự phân công, hợp tác, chia sẻ chức năng, tăng cường các mối liên kết về hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong vùng. Thành phố Hòa Bình sẽ cung cấp một số dịch vụ xã hội cấp vùng: Y tế, văn hóa, du lịch chất lượng cao, bảo tồn di sản thiên nhiên. Trong nội vùng, thành phố Hòa Bình đóng vai trò quan trọng về hạ tầng kỹ thuật vùng: cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ và gìn giữ đầu nguồn lưu vực sông Đà.
Phát triển đô thị thành phố Hoà Bình từng bước nâng cao chất lượng diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Thực hiện phát triển đô thị và nông thôn đồng bộ, giải quyết khắc phục các định hướng còn yếu, thiếu của đô thị, tạo sự liên kết giữa các lĩnh vực đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn, con người và thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện của đô thị miền núi, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chương trình phát triển của mỗi đô thị. Kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội.
Đảm bảo tính đồng bộ thống nhất về xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện Chương trình. Nâng cao nhận thức về quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
Lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, kế hoạch, dự án đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt liên quan tới phát triển đô thị. Các Chương trình kế hoạch phát triển đô thị phải được tích hợp các yêu cầu về phát triển bền vững phát triển đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của Chương trình: Đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố Hòa Bình;
Cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị phù hợp với định hướng của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045,
Từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của thành phố Hòa Bình;
Xác định các khu vực phát triển đô thị nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt, tiêu chuẩn chưa đạt tối đa để hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, đời sống Nhân dân, phấn đấu mục tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn. Phấn đấu đến năm 2025 thành phố Hòa Bình được công nhận là đô thị loại II; Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện tiêu chuẩn chưa đạt đô thị loại II; Phấn đấu đến năm 2035 nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II;
Xác định các dự án, lộ trình phân bổ và chiến lược đầu tư cụ thể cho phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với chương trình, mục tiêu phát triển đã đề ra theo hướng bền vững; đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn vốn nhằm hoàn thành chương trình phát triển đô thị, đảm bảo tiến độ và tính khả thi;
Phối hợp lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, dự án đã và đang triển khai của các ngành trên địa bàn tỉnh và thành phố nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để phát triển đô thị theo quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn theo quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phạm vi ranh giới lập Chương trình căn cứ theo phạm vi ranh giới lập quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chi tiết gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hòa Bình, bao gồm 19 đơn vị hành chính (12 phường và 7 xã). Diện tích lập quy hoạch theo ranh giới hành chính thành phố khoảng 348,65 km. Dân số thường trú năm 2023 theo ranh giới hành chính thành phố khoảng 144.193 người, dân số tạm trú quy đổi khoảng 37.255 người.
Ranh giới: Phía Đông giáp huyện Kim Bôi và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Phía Tây giáp huyện Đà Bắc và huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Phía Nam giáp huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Phía Bắc giáp huyện Ba Vì và huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Lộ trình triển khai xây dựng: (1) Giai đoạn 2024 - 2030: Tập trung thực hiện việc cải tạo, nâng cấp khu vực đô thị trung tâm hiện hữu; ưu tiên đầu tư phát triển các trục đường giao thông, hạ tầng kết nối như: đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (giai đoạn 2),...; tạo điểm nhấn đô thị gắn với cảnh quan tự nhiên ven sông Đà và các hồ cảnh quan; song song với đó là việc đầu tư xây dựng hình thành một số khu vực phát triển đô thị theo tuyến đường cao tốc mới Hà Nội - Hòa Bình, phát triển đô thị cửa ngõ phía Tây nút xuống đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Phát triển Khu trung tâm dịch vụ và công nghiệp xanh Mông Hóa; Đô thị trung chuyển TOD Kỳ Sơn; Khu đô thị công nghiệp, logistics Yên Quang. (2) Giai đoạn đến năm 2035: Tiếp tục thực hiện xây dựng các khu còn lại theo quy hoạch chung được duyệt.
Chương trình đề ra các giải pháp thực hiện: (1) Về cơ chế chính sách; (2) Về Quy hoạch; (3) Về phát triển kinh tế - xã hội; (4) Về đào tạo, quản lý nhân lực; (5) Về tạo động lực phát triển đô thị; (6) Về tạo nguồn vốn xây dựng đô thị.
Ngọc Tuyết