Sign In

Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030

14:41 12/09/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Ngày 11/9/2024, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026 - 2030. Tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không bố trí vốn dàn trải, manh mún; đối với các địa phương, vốn đầu tư công được lập phù hợp với từng cấp chính quyền, từng cấp ngân sách, phạm vi địa giới hành chính và yêu cầu phát triển của các cấp địa phương. Số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách trung ương thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 - 2025 định hướng khoảng 15 đến 20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm, quan trọng quốc gia và không mất nhiều thời gian làm thủ tục.
 
Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng. Chỉ bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quán triệt nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để dẫn dắt, khai thác tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc các ngành y tế, giáo dục, xã hội...
 
Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030: Bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026 - 2030; phù hợp với Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 19/7/2017 của Tỉnh ủy, quy hoạch quốc gia, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương giai đoạn 2021 - 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công.
 
Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp quyết nghị thông qua; Không bố trí vốn đầu tư công cho chương trình, nhiệm vụ, dự án không thuộc đối tượng đầu tư công, ngành, lĩnh vực đầu tư công theo quy định.
 
Ngân sách trung ương (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương) phải tập trung đầu tư vào các dự án quan trọng quốc gia, công trình, dự án lớn, có tính liên vùng, liên quốc gia, quốc tế, mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kiên quyết khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, kém hiệu quả; ngân sách địa phương tập trung đầu tư vào các công trình, dự án có tính liên tỉnh, liên huyện và dứt khoát không dàn trải, manh mún, phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa cao.
 
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan, đơn vị và địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với các mục tiêu, định hướng phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030; chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030; không bố trí vốn dàn trải, manh mún; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, liên quốc gia và liên quốc tế, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, chuyển đổi xanh; thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 (nếu còn), thu hồi dứt điểm số dư vốn ứng trước phải thu hồi theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội (nếu còn).
 
Bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch năm 2025 (đối với nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công khởi công mới giai đoạn 2026 - 2030, vốn để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
 
Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.
 
Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030: Trên cơ sở các quy định tại Luật Đầu tư công, các mục tiêu, định hướng, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 quy định tại điểm 1 và 2 Mục III, các cơ quan, đơn vị và địa phương rà soát, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo từng nguồn vốn trong từng ngành, lĩnh vực cho nhiệm vụ, chương trình, dự án theo thứ tự ưu tiên như sau: Phân bổ đủ vốn để thanh toán hết số nợ đọng xây dựng cơ bản (phát sinh trước ngày 01/01/2015) theo quy định của Luật Đầu tư công (nếu còn); Phân bổ đủ vốn để hoàn trả hết số vốn ứng trước kế hoạch (nếu còn); Phân bổ đủ vốn cho dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt (chưa hoàn thành trong kỳ kế hoạch). Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư (làm rõ vốn chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026 - 2030, vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2031 - 2035). Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Đầu tư công. Phân bổ vốn cho cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan: Căn cứ Chỉ thị này và các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của các bộ, cơ quan trung ương, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương cụ thể về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Khẩn trương xây dựng, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, thông báo số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 cho các cơ quan, đơn vị và địa phương sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Hòa Bình.  Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định sau khi cấp có thẩm quyền ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Hòa Bình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/9/2024 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến. Hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/9/2024 để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Hòa Bình, hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/6/2025 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến. Hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/6/2025 để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
 
Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2026 - 2030 trước ngày 31/3/2025. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Mục này.
 
Các cơ quan, đơn vị và địa phương: Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, Chỉ thị này và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 13/9/2024 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Đối với cấp huyện, cấp xã cần phải tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo quy định tại khoản 6, Điều 55 Luật Đầu tư công. Hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 01/6/2025 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Đối với cấp huyện và cấp xã cần phải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo quy định tại tại khoản 10 Điều 55 Luật Đầu tư công.
 
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những quy định trong Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ quy định tại Luật Đầu tư công và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 có chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Nguyễn Hải
 
 
 

Tag: