Sign In

Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh

14:29 12/06/2024
Ngày 10/6/2024, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND về nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật đã và đang là một yêu cầu cấp bách và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược trước yêu cầu hội nhập, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân còn thấp, việc phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ… Để kịp thời khắc phục những tình trạng nêu trên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
 
Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong hoạt động thi hành pháp luật; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong tham mưu, đề xuất tổ chức thi hành pháp luật. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo, thống nhất với chính quyền cụ thể hóa kịp thời, toàn diện, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là thi hành các chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, phân quyền…
 
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức thi hành pháp luật, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; gắn kết công tác thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền; tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng việc lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo văn bản, đánh giá tác động của chính sách trong văn bản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Kịp thời phát hiện, xử lý văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, tiêu cực, “lợi ích nhóm” hoặc gây ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
 
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, cách làm trong thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần chỉ đạo quyết liệt, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm trong tổ chức thi hành pháp luật thuộc các lĩnh vực được giao phụ trách quản lý.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; trong đó, về nội dung cần tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới, văn bản của địa phương, văn bản có quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền lực của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước; về hình thức cần đổi mới, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện thực tiễn vùng miền nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mọi chủ thể trong xã hội tiếp cận pháp luật.
 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội; phát hiện và xử lý kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trong tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp.
 
Tiếp tục kiện toàn và đổi mới tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác thi hành pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thi hành pháp luật. Quan tâm xây dựng cơ chế tài chính, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình thi hành công vụ. Đồng thời, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa đảm bảo tính kết nối, liên thông và hiệu quả trong các hoạt động thi hành pháp luật.
 
Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích; đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong công tác thi hành pháp luật.
 
Sở Tư pháp: Tiếp tục phát huy vai trò cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. 
 
Đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
 
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các văn bản trái pháp luật.
 
Sở Nội vụ: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế thực hiện công tác thi hành pháp luật, pháp chế của các sở, ban, ngành, địa phương theo các quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Tăng cường vai trò giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 
UBND tỉnh giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này.
 
Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này; định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Lê Thùy
 
 
 

Tag:

File đính kèm