Sign In

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thác thủy sản

15:33 28/06/2024
Trong 10 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đến các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

ket qua 10 nam.jpg
Lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền người dân giao nộp xung kích điện

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ttăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để người dân hiểu về vai trò quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tác hại, hậu quả của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm làm hủy hoại môi sinh, môi trường và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản từ đó nâng cao ý thức, tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2024, đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, tổ chức 09 lớp tập huấn Luật thủy sản, 04 hội nghị phát động phong trào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xây dựng 15 chuyên mục về thủy sản tuyên truyền trên báo Hòa Bình, 01 Video tuyên truyền về thủy sản đăng trên báo Hòa Bình, In 13.100 tờ rơi, 29 pano để tuyên truyền phổ biến pháp luật về tác hại của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm để đánh bắt và khai thác thủy sản ở các vùng nước tự nhiên.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Quy chế phối hợp số 3113/QCPH-BCHQS-CA-NN&PTNT ngày 09/10/2020 giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Hòa Bình, Lữ đoàn 72 Binh chủng Công binh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đối với lĩnh vực thủy sản, căn cứ Quy chế số 1019/QCPH-CTS-CSGT ngày 10/6/2024 của Cục Thủy sản và Cục Cảnh sát Giao thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội trên sông, hồ để ngăn chặn, xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản.

Hiện nay nguồn lợi thuỷ sản ở hầu hết các thuỷ vực tự nhiên có xu hướng suy giảm khá nhiều, trong đó tại các hồ chứa, sông, suối đều có những biến động bất lợi cho phát triển nghề cá bền vững. Đó là tình trạng mật độ quần thể giảm, số lượng giống loài giảm, nhiều loài bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn lợi cá sông giảm sút, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn gen quý hiếm. Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực giảm sút, một số giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hàng năm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền và thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản nhằm tuyên truyền tới đông đảo người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững, khai thác phải đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Kết quả từ năm 2014 đến nay đã thả trên 545 nghìn con cá giống các loại ra sông, hồ.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thác thủy sản, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg cho phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hàng chính trong lĩnh vực thủy sản. Đề nghị hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương thả cá giống ở các sông, suối, hồ đập để tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng để khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Xã hội hóa, tạo nguồn lực tài chính bền vững để mua cá giống thả tái tạo vào các vùng nước tự nhiên, nâng cao nhận thức cho ngư dân khai thác thủy sản, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Hỗ trợ phát triển khai thác thuỷ sản tự nhiên trên các sông, hồ chứa, khai thác đi đôi với quản lý nguồn lợi có sự tham gia của cộng đồng cư dân nhằm bảo vệ các bãi đẻ tự nhiên, bảo tồn và phát triển các đối tượng thuỷ sản bản địa, thuỷ đặc sản quý hiếm, thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi để tăng sản lượng khai thác.

Lê Huệ

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm