Sign In

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

14:07 02/10/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Trong những năm qua, cấp uỷ chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên rà soát, đưa các nội dung, định hướng phát triển khoa học và công nghệ vào các nghị quyết của cấp ủy Đảng, các chương trình, kế hoạch của tỉnh, ngành, địa phương để thực hiện. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được nâng lên. Cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được đổi mới mạnh mẽ; các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập được đầu tư hạ tầng, thiết bị từng bước hiện đại. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện giải quyết các nhu cầu cấp thiết của địa phương.

Tỉnh chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành 107 chương trình, kế hoạch, quy định, chính sách về thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tài sản trí tuệ, thị trường công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông thôn (Chương trình OCOP, tham gia sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số), dịch vụ logistics; phát triển và thu hút nhân lực; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
 
Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới mạnh mẽ. Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh được nghiệm thu, giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hoá đến các sở, ngành, doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định. Các đề tài, dự án luôn bám sát những vấn đề căn bản, cấp thiết, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Hoạt động khoa học và công nghệ tại các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được đẩy mạnh; nhiều chuyên gia trong các ban, sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện có kinh nghiệm đã tích cực tham gia các Hội đồng khoa học, tư vấn, phản biện. 
 
Công tác phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Tính đến nay, tổng nhân lực trong các tổ chức khoa học và công nghệ là 108 người. Toàn tỉnh có 15 tổ chức khoa học và công nghệ; 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 03 doanh nghiệp tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Có 21 doanh nghiệp đã triển khai thành lập Quỹ khoa học công nghệ với nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng, tăng 08 doanh nghiệp so năm 2021; có 01 doanh nghiệp đã thực hiện trích lập quỹ đầu tư nghiên cứu chế tạo công nghệ nhân tạo AI phục vụ cho sản suất thiết bị mô tô với số tiền là 1,78 tỷ đồng. 
 
Các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được quan tâm, tuy nhiên hiện nay mới chỉ đang tập trung hỗ trợ các cuộc thi khởi nghiệp dành cho thanh niên và phụ nữ trên địa bàn tỉnh, còn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chưa được triển khai thực hiện. Đã khuyến khích và hỗ trợ kinh phí gần 200 triệu đồng cho 05 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện khoa học và công nghệ. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, thử nghiệm tại Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản và Trung tâm ứng dụng thông tin khoa học công nghệ để cung cấp cây giống Keo lai, Mía trắng, Mía tím Hòa Bình bằng công nghệ nuôi cấy mô, đảm bảo chất lượng cao phục vụ sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, công cụ hỗ trợ cho sản xuât thông minh, dịch vụ thông minh. Tiếp tục chỉ đạo việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trên địa bàn tỉnh.
 
Tỉnh tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu như: Cam, bưởi, mía, chuối, nhãn... Hỗ trợ 20 sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình được áp dụng hệ thống và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm; hỗ trợ áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Hòa Bình cho 30 sản phẩm nông sản đặc sản được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực hiện tốt việc quản lý và khai thác các sản phẩm đã được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể giai đoạn 2016 - 2020 như: Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong, nhãn hiệu chứng nhận Cá, tôm sông Đà,… theo Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 14/5/2021 và Kế hoạch số 170/KH-UBND, ngày 24/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
 
Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ bước đầu triển khai có hiệu quả. Đã chủ động mời 32 lượt chuyên gia tại các Viện, Trường Đại học tham gia các hội đồng tư vấn, phản biện; phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện An ninh phi truyền thống thực hiện 03 đề tài trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho một số tổ chức, doanh nghiệp tham dự, trình diễn công nghệ mới, có khả năng tiếp cận với thị trường của tỉnh làm cơ sở cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội trao đổi, giao lưu, phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thuộc chương trình hợp tác với thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk và quận Ulju, thành phố Ulsan của Hàn Quốc.
 
Công tác chuyển đổi số trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh. Đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu ngành khoa học và công nghệ cũng được tăng cường, duy trì hiệu quả các phòng thí nghiệm về sản phẩm hàng hóa nhóm 2 (thiết bị điện và điện tử; Xăng; nhiên liệu diezeen…), phòng chuyên dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật và phòng sinh học. Các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch  đã đầu tư các thiết bị tăng cường tiềm lực phục vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển nền tảng phát triển Chính phủ số với mục tiêu Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số của tỉnh, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào cảnh báo sớm trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống lũ quét nhằm bảo đảm an toàn cho người dân tại một số vùng có nguy cơ sạt lở. Năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) tỉnh Hòa Bình đạt 34,33 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bảo An
 
 
 

Tag: