Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất theo thẩm quyền đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Hoà Bình phát triển xanh và bền vững.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và trách nhiệm trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng dẫn của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; hoàn thành công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp (tỉnh và huyện).
Hoàn thành việc đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính chính 100% đơn vị cấp huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 04/10 huyện và kết nối liên thông vào hệ thống thông tin quốc gia, đảm bảo tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu. (Hiện nay đã đo đạc được 9/10 huyện, thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 02/10 huyện, 01 huyện Lạc Thuỷ đang tiếp tục thực hiện).
Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận Phục vụ hành chính công các cấp đối với 100% các thủ tục đất đai. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và toàn trình một phần đối với các thủ tục đất đai liên quan tới người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ hồ sơ về đất đai giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 50% trở lên trên tổng số hồ sơ tiếp nhận; tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 90%.
Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên cơ sở các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế địa phương và nguồn lực được bố trí đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị; đất cơ sở tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàn thành 70% việc đo đạc lại bản đồ địa chính đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/TTg, ngày 25/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chỉnh lý, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Khắc phục triệt để tình trạng sử dụng đất lãng phí, bỏ đất không sử dụng, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất của thời kỳ trước. Giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Hoàn thành chỉnh lý, cấp đổi 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 672/TTg, ngày 25/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện việc đo đạc, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cho 100% số đơn vị cấp huyện. Tiếp tục duy trì cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và toàn trình một phần đối với tất cả các thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ về đất đai giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 70% trở lên trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Các Chương trình hành động cụ thể: (1) Chương trình 01: Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Chương trình 02: Chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Chương trình 03: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai; (4) Chương trình 04: Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (5) Chương trình 05: Tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; (6) Chương trình 06: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động; xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo rà soát rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chương trình hành động này.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo việc xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện; đánh giá kết quả hằng năm, tham mưu sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy theo quy định.
Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh lãnh đạo xây dựng kế hoạch giám sát các tổ chức thành viên việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chương trình hành động này.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và nội dung Chương trình hành động này.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai và thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy theo quy định.
Ngọc Tuyết