Kết luận nêu rõ, sau 05 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân, từng bước hình thành tư duy, nhận thức mới về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành đã kịp thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, quyết định,... để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; đưa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trở thành nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp năm sau giảm hơn năm trước; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao. Vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp của các cấp, các ngành được tăng cường; cơ chế, chính sách về lâm nghiệp được rà soát, sửa đổi, chuyển hướng phát triển lâm nghiệp sang thực hiện mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, thâm canh rừng, nâng cao giá trị rừng trồng theo hướng bền vững. Công tác rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng được quan tâm triển khai thực hiện, phù hợp với chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo yêu cầu phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học của rừng, gắn với thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Tài nguyên rừng được sử dụng hiệu quả; an ninh rừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 51%.
Để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 30/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 30/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn thể Nhân dân trong tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nắm chắc địa bàn, xử lý kịp thời mọi vấn đề phát sinh. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tại địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng xảy ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, quân đội và kiểm lâm trong hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát quy hoạch ba loại rừng, khắc phục những bất hợp lý trong quá trình thực hiện quy hoạch; kiểm soát, giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch trong lâm nghiệp và việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, không chuyển mục đích diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy hoạch.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Giám sát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án.
Đẩy mạnh công tác phát triển rừng, nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sử dụng giống từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, loài cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, có giá trị kinh tế cao và phù hợp mục đích kinh doanh. Tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn.
Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững đã được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt; quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, gắn hoạt động du lịch sinh thái với tuyên truyền bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Tổ chức thực hiện các biện pháp lâm sinh nhằm nâng cao chức năng của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với khai thác các dịch vụ môi trường rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi chặt, phá cây rừng, làm suy giảm chức năng của rừng phòng hộ, tính đa dạng sinh học rừng đặc dụng.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Chương trình hành động số 14-CTr/TU và Kết luận này.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU và Kết luận này; tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ báo cáo kết quả và tổng kết việc thực hiện theo quy định.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo công tác truyền truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 14-CTr/TU và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận.
Ngọc Tuyết