Sign In

Kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

15:45 10/11/2023
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và tầng lớp Nhân dân, từng bước hình thành tư duy, nhận thức mới về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững trong đó tập trung vào phát triển rừng trồng gỗ lớn.

Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa về phát triển bền vững rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh để các tổ chức, cá nhân và chủ rừng thấy được lợi ích của việc sử dụng giống chất lượng cao trong trồng rừng, thâm canh rừng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong kinh doanh rừng. Tuyên truyền về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng của rừng; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phát triển rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; tăng cường hoạt động khuyến lâm, xây dựng các mô hình lâm nghiệp, khuyến khích phát triển nông lâm kết hợp, canh tác hiệu quả bền vững.
 
Công tác ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong quản lý và bảo vệ rừng, phát triển rừng được quan tâm, góp phần giảm chi phí trong sản xuất lâm nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh rừng trên đơn vị diện tích. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư các quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến được áp dụng trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ mang lại hiệu quả thiết thực. 
 
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Các sở, ngành của tỉnh cùng các huyện, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC, đến nay toàn tỉnh có khoảng trên 16.000 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC tập trung tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty BVN Hòa Bình; đồng thời Công ty BVN Hòa Bình đang triển khai mở rộng diện tích có chứng chỉ FSC sang các huyện khác trên địa bàn tỉnh. 
 
Công tác liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gỗ được các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh, từ khâu trồng rừng, khai thác chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cấp chứng chỉ FSC. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 172 cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ (gồm 42 doanh nghiệp và 130 hộ gia đình). Trong đó, có 01 nhà máy sản xuất ván MDF công suất thiết kế 54.000 m3 tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến. Việc bán nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế giảm dần; đã có hình thức chế biến tinh chế tại các cụm công nghiệp tập trung và khuyến khích nâng cấp đối với các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ hiện có.
 
Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và kết hợp khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo qui định. Một số huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, đồng thời hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh rừng cho các hộ nông dân, hỗ trợ mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng (cây cát sâm, cây khôi tía tại huyện Mai Châu) với tổng diện tích 13,42 ha.
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương phối hợp tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân và chủ rừng để thực hiện các hoạt động phát triển rừng trên địa bàn. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển rừng là 17.725 triệu đồng (năm 2020 là 5.725 triệu đồng; năm 2021 là 12.000 triệu đồng) đây là vốn chuyển tiếp từ nguồn vốn đầu tư giao đoạn 2016-2020; ngoài ra chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp, chủ rừng trong phát triển rừng, khuyến khích các chủ rừng trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng; năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Bảo vệ phát triển rừng để tổ chức thực hiện với nguồn vốn là 127.600 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương là 117.600 triệu đồng, vốn từ nguồn ngân sách tỉnh 10.000 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn lực từ các dự án tài trợ về lĩnh vực lâm nghiệp như: Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hòa Kỳ (USAID) tài trợ; Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ để tăng cường năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. 
 
Kết quả, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và diện tích chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ kinh doanh rừng gỗ lớn: Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh trồng được 21.470,1 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng được 7.156,7 ha, trong đó trên 95% (20.397,45 ha) rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận; diện tích này có điều kiện quan trọng tiên quyết để trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. 
 
Đối với diện tích rừng được chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn: Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, diện tích rừng sản xuất là rừng trồng 78.531,69 ha (không bao gồm diện tích rừng trồng năm từ 2020 đến 2022 do chưa đủ tiêu trí thành rừng), trong đó: Rừng trồng đã chuyển hóa thành rừng gỗ lớn 10.019 ha (diện tích rừng từ 8 năm tuổi trở lên, có đường kính và chiều dài đảm bảo quy định là gỗ lớn theo tiêu chuẩn Việt Nam). Mặt khác, có 68.512 ha rừng trồng (từ tuổi 3 - tuổi 7), gồm: 54.810 ha (chiếm 80%) rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận, đây là diện tích rừng có tiềm năng để áp dụng kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng và các biện pháp kỹ thuật, thâm canh sẽ trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trong tương lai; còn lại 13.702 ha (chiếm 20%) rừng trồng do người dân tự sản xuất giống hoặc mua giống trôi nổi từ các tỉnh lân cận, không rõ nguồn gốc, thực hiện biện pháp trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Hiện tượng khai thác rừng non cũng được giảm dần qua các năm.
 
Như vậy, sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, các địa phương đã phát huy được lợi thế của mình để phát triển kinh tế lâm nghiệp thông qua sử dụng hiệu quả tiềm năng nguồn tài nguyên đất lâm nghiệp, con người, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông để đẩy mạnh công tác phát triển rừng sản xuất theo hướng bền vững; năng suất, chất lượng rừng được nâng cao, giá trị thu được trên đơn vị diện tích rừng ngày một tăng; đồng thời, huy động được nhiều nguồn lực tài chính từ các tổ chức và chủ rừng để đầu tư vào công tác trồng rừng, chế biến lâm sản. 
Ngọc Tuyết  
 
 
 

Tag:

File đính kèm