Sign In

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

14:50 26/12/2023
Bám sát theo chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, của Tỉnh ủy, năm 2023 công tác Dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2023, công tác Dân vận toàn tỉnh đã tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả theo Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 15/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; Đề án “Nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững”; Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác dân vận tham gia trong quy hoạch xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư”...
 
Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình công tác theo định kỳ, các kỳ họp thường lệ, đột xuất đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Các hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình tại các kỳ họp, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đối với chính quyền cùng cấp được tăng cường và phát huy hiệu quả. Ủy ban  nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp trong xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, các chế độ, chính sách đảm bảo đầy đủ, đúng người, đúng đối tượng, trong năm đã thăm hỏi, tặng quà cho 23.908 lượt gia đình chính sách, người có công với tổng kinh phí là 5,953 tỷ đồng. Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục... đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần duy trì ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh tiếp tục được các địa phương, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành phong trào sâu rộng trên các lĩnh vực; tính đến 31/11/2023, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,24% tổng số xã, có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 114 sản phẩm OCOP với 22 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 92 sản phẩm đạt hạng 3, có 50 sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP. Công tác tiếp công dân, đối thoại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện, đến tháng 10/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 04 Hội nghị đối thoại, gồm: đối thoại với đoàn viên, thanh niên trong tỉnh; đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đối thoại với nông dân; đối thoại với Nhân dân trên địa bàn các huyện Yên Thủy, Kim Bôi... Ban Tiếp công dân tỉnh duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ hằng tháng, bố trí cán bộ thường xuyên trực, tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; tổ chức tiếp 3.146 lượt với 3.896 người đến Trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh. Có 26 vụ việc vào diện đông người, phức tạp, kéo dài, trong đó đã tập trung giải quyết dứt điểm 19/26 vụ việc, còn 07 vụ đang tiếp tục tập trung giải quyết.
 
Hoạt động kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tiếp tục triển khai, 100% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương đều được công bố và công khai kịp thời theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,74%. Theo kết quả đánh giá của Cổng Dịch vụ công quốc gia, lũy kế từ 01/01/2023 đến hết ngày 14/11/2023 điểm đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Hòa Bình đạt 83,5/100 điểm, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành phố. Việc phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận cấp ủy với Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân, Ban Dân tộc, Công an, Quân sự cùng cấp được quan tâm thực hiện, chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng về công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức và Nhân dân; nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân. Việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tích cực triển khai các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Tiếp tục thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng các em đến trường” trong lực lượng vũ trang tỉnh, vận động quyên góp, hỗ trợ, trao tặng 308 xe đạp, 135 bộ đồng phục, 35 thẻ BHYT, nhận đỡ đầu 46 cháu, 49 góc học tập, 452 xuất quà tặng các loại nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024 với  tổng trị giá trên 800 triệu đồng; tiếp tục triển khai mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng” hỗ trợ xây nhà và tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. 
 
Công an trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận trong bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là vận động Nhân dân và huy động các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027”, duy trì 20 mô hình “Dân vận khéo” về thực hiện Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về lãnh đạo tăng cường công tác “Xây dựng thế trận an ninh Nhân dân kết hợp chặt chẽ với với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tham mưu Ban Chỉ đạo 09 tỉnh tổ chức thành công “điểm” Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 và 13 điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của các huyện, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp. 
 
Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và ngành dọc cấp trên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động, kịp thời tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Công tác vận động, phát huy vai trò Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các phong trào thi đua: Xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc tiến bộ... Quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân, duy trì hoạt động các loại quỹ, phối hợp tham gia hoạt động ủy thác vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật giúp đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng... Hoạt động đối ngoại Nhân dân; tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, giúp đỡ nhau, tôn trọng pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 
Phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 4.365 mô hình Dân vận khéo (tăng 568 mô hình so với năm 2022), các mô hình Dân vận khéo trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần chuyển biến nhận thức, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tiêu biểu như mô hình: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; mô hình trồng Cam tiêu chuẩn VietGAP; Homestay gắn với du lịch lòng hồ Sông Đà... mô hình Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, Tổ Liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; Làng bản văn hoá, quốc phòng trong khu vực phòng thủ... mô hình Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ; Hòm thư góp ý 217, 218; Dân vận khéo trong thực hiện các dự án trọng điểm... Đến hết 30/11/2023 đã có 10/10 ban Chỉ đạo các huyện, thành phố ban hành Kế hoạch và Hướng dẫn xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, chỉ đạo xây dựng điểm để đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình…
 
Như vậy, trong năm 2023 công tác Dân vận toàn tỉnh đã tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng ở các cấp, các ngành trong toàn tỉnh; việc chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đã góp phần không nhỏ vào công tác ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan cấp ủy, chính quyền ở địa phương, phục vụ Nhân dân ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bảo Minh  
 
 

Tag:

File đính kèm