Sign In

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45 - CT/TU, ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”

08:53 18/01/2024
Ngày 11/01/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận 976-KL/TU về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất Kết luận: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai. Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể đều được cấp ủy phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí trước khi tổ chức thực hiện. Quá trình tổ chức triển khai công tác lịch sử Đảng đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử tham gia,… Trong quá trình tổ chức sưu tầm tư liệu, đã chú trọng các nguồn tài liệu sống, tài liệu thành văn có lưu trữ ở các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Nhìn chung các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống xuất bản đã tái hiện một cách khá đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục. Đa số các ấn phẩm đều là những công trình được tổ chức biên soạn rất công phu, có giá trị, ít sai sót, được các cơ quan chuyên môn cấp trên và đông đảo bạn đọc đánh giá cao; đồng thời, cũng là tài liệu quan trọng xác minh, khẳng định những nhân vật lịch sử, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Quan âm, chú trọng công tác phát hành các ấn phẩm lịch sử đảng, qua đó phát huy giá trị của công trình và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Kết luận đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới như sau:

Quán triệt sâu rộng hơn nữa tinh thần Chỉ thị số 45- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các cấp ủy Đảng và toàn hệ thống chính trị; qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trong thời kỳ mới; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với công tác lịch sử Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp phải quan tâm sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đề cao vai trò của hệ thống tuyên giáo các cấp, chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về công tác lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và địa phương, đơn vị.

BanThường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc chú trọng rà soát, đánh giá chất lượng các công trình lịch sử Đảng bộ cấp huyện, cấp xã, để kịp thời xây dựng kế hoạch sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn bổ sung; tổ chức triển khai nghiên cứu, tổng kết, biên soạn công trình Đảng bộ cấp huyện qua các kỳ Đại hội, các công trình nghiên cứu chuyên ngành như Địa chí, từ điển địa chí cấp huyện. Chú trọng chỉ đạo việc số hoá các tài liệu, tư liệu, công trình lịch sử Đảng.

BanThường vụ Tỉnh uỷ đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 14-Đ/TU, ngày 29/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, biên soạn Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ sơ sử đến năm 2020; triển khai thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, bổ sung và xuất bản cuốn sách “Đảng bộ tỉnh Hòa Bình qua các kỳ Đại hội 1945 - 2025” “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929 - 2025” đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng.

Nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ công tác lịch sử đảng; thực hiện thẩm định các công trình, đề án lịch sử cấp tỉnh, cấp huyện và kiểm tra, giám sát công tác thẩm định của các huyện ủy, thành ủy, chất lượng của các công trình lịch sử các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc biên soạn lịch sử truyền thống hoặc biên niên sự kiện lịch sử của đơn vị, ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đơn vị, ngành đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện, trong các trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục lịch sử đảm bảo theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; coi trọng tuyên truyền, giáo dục bài học kinh nghiệm trong giáo dục lịch sử.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng bằng những hình thức phù hợp, thiết thực như: Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố; thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương; tổ chức kỷ niệm, tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh qua các thời kỳ; tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, xây dựng các bài viết, tham luận, bài báo, phim tài liệu có nội dung về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương, các sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng; giảng dạy hiệu quả môn lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và hệ thống giáo dục phổ thông,...

Coi trọng việc kiện toàn, bố trí cán bộ chuyên trách phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương, đơn vị. Bố trí cán bộ đúng chuyên ngành, đủ năng lực làm công tác lịch sử Đảng ở các cấp. Quan tâm, tạo điều kiện tổ chức tập huấn và tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ công tác lịch sử Đảng, nhất là thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác lịch sử Đảng. Tiếp tục đầu tư nâng chất lượng việc cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử lịch sử Đảng bộ tỉnh và Lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc, các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị căn cứ nội dung Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

Các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủyKết luận này trên địa bàn tỉnh, nhất là việc tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp,… đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, kết quả thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TUKết luận này trong toàn Đảng bộ tỉnh. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, Kết luận, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định

Nguyễn Nhung

Tag:

File đính kèm