Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các địa phương trong toàn huyện đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện và các chính sách về bảo hiểm y tế; thường xuyên khảo sát thực trạng số người chưa tham gia bảo hiểm y tế, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch để tăng nhanh diện bao phủ người tham gia bảo hiểm y tế; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế đến các tầng lớp Nhân dân; tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng với nhà nước giúp người cận nghèo có thêm kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế (BHYT) thường xuyên được củng cố và hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm. Hằng năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đều cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác giám định và thanh toán quỹ BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ BHXH; các đại lý thu BHXH, BHYT của các xã,phường, thị trấn; đại lý thu Bưu điện huyện về phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn về chế độ chính sách BHYT. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ, uốn nắn tác phong làm việc theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ năng động và hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách BHYT.
Công tác quản lý Quỹ BHYT và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện theo đúng quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành; quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT cũng như ngăn chặn kịp thời việc lạm dụng quỹ BHYT, góp phần quản lý, sử dụng quỹ BHYT minh bạch, an toàn, hiệu quả. Đến nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Nhờ vậy, việc giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, tránh sai sót, nâng cao tính minh bạch trong quản lý nguồn quỹ BHYT; đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý toàn diện của ngành Y tế.
Công tác khám chữa bệnh BHYT luôn được quan tâm, chú trọng. Các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ. Các trang thiết bị hiện đại từng bước được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Công tác quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh BHYT luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, số lượt người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT tăng qua các năm. Việc tham gia khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế tư nhân cũng dần được áp dụng. Hiện nay, toàn huyện có 9 cơ sở y tế tư nhân, chủ yếu là khám chuyên khoa răng hàm mặt, phụ sản và chẩn trị y học cổ truyền. Riêng phòng khám đa khoa tư nhân Tâm Đức đã có triển khai việc khám, chữa bệnh bằng BHYT với 40% phí khám, chữa bệnh được miễn giảm.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. BHXH huyện đã chủ trì nhiều chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện chính sách BHYT với uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn và phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức hệ thống đại lý thu BHYT; đồng thời hệ thống đại lý thu BHYT của các xã, thị trấn, của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tham gia BHYT của người dân tại các xóm, khu dân cứ góp phần vào việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT được giao hàng năm. Huyện đã thường xuyên tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm mua thẻ BHYT cho đối tượng này, chương trình đã bước đầu lan tỏa, góp phần thực hiện mục tiêu 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, đây cũng là một giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững. Sau gần 15 năm thực hiện, số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện tăng từ 59% năm 2009 lên 86,99% năm 2023.
Trong thời gian tới, huyện Tân Lạc xác định thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT đến mọi tầng lớp Nhân dân trong vùng, nhất là các địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; (2) Tiếp tục đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHYT; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện chính sách BHYT; (4) Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định và thanh quyết toán BHYT;…
Ngọc Tuyết