Sign In

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc xây dựng thành phố Hòa Bình đạt đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình vào năm 2025

15:01 31/10/2023
Ngày 30/10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 945-KL/TU về việc xây dựng thành phố Hòa Bình đạt đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình vào năm 2025.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, thành phố Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo đô thị, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm. Kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh đô thị, mạng lưới y tế, quy mô trường, lớp học được đầu tư, mở rộng. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II trong tương lai. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình (sau sáp nhập) chưa được phê duyệt. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch, đặc biệt là đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Công tác quảng bá, thu hút đầu tư, nhất là các dự án phát triển du lịch, phát triển sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Một số dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ. Đô thị chưa có nhiều điểm nhấn, các khu vui chơi công cộng, công viên, cây xanh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và cảnh quan đô thị,... 
 
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau: 
 
Về công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị: Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Khẩn trương phê duyệt các đồ án quy hoạch quan trọng của thành phố (như quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/10.000 thành phố Hòa Bình, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,...) làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Xây dựng quy hoạch chi tiết đảm bảo hài hòa, phù hợp kiến trúc, cảnh quan khu vực; đồng thời, xác định các vùng kinh tế trọng điểm trong quy hoạch. Quy hoạch các khu nhà ở xã hội, khu thiết chế cho công nhân các khu, cụm công nghiệp để thu hút nguồn lao động, tăng dân số đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Ban hành và triển khai có hiệu quả quy chế quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, chương trình phát triển đô thị. Chỉnh trang, nâng cấp và nhân rộng các tuyến phố kiểu mẫu về văn minh, trật tự đô thị, an toàn giao thông. 
 
Huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các khu, cụm công nghiệp với các khu vực lân cận. Tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. 
 
Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án: Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình); Dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc. Tập trung chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương đề xuất, sớm triển khai các dự án: Cầu Hòa Bình 6 và đường dẫn; Phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình (nhà tài trợ ADB); Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu của phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình (nhà tài trợ AFD),... Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các tuyến đường có tính chất quan trọng, kết nối trước năm 2025 bao gồm: Dự án Đường kết nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với Quốc lộ 6; Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, thành phố Hòa Bình; Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình; các tuyến đường chính đô thị, đường khu vực kết nối các khu chức năng, kết nối các khu đô thị, khu nhà ở mới theo quy hoạch,... Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tĩnh (bến, bãi, điểm đỗ xe công cộng) đảm bảo nhu cầu trước mắt và trong tương lai. Nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, mạng lưới điện, hệ thống chiếu sáng, hạ tầng an ninh đô thị. Khẩn trương hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác thải của thành phố. Xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, các tuyến đi bộ, ẩm thực và chợ đêm đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân địa phương. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 sao; bệnh viện tư nhân và các cơ sở giáo dục, nghiên cứu. 
 
Về phát triển kinh tế: Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, gắn với huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển thành phố Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và thân thiện; là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc; thành phố chiến lược về quốc phòng, an ninh. Tập trung đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp Nhân dân; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
Tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt là các Nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp (đặc biệt là công nghệ cao), phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khách sạn cao cấp, khu đô thị, khu ở mới, giáo dục và đào tạo, bệnh viện đa khoa tư nhân khu vực, nhà tang lễ,... phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thành phố. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu tái định cư,...đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh. 
 
Về phát triển văn hoá - xã hội: Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng và các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của cộng đồng dân cư gắn với phục vụ du lịch. Xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, văn minh đô thị. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực giáo dục, y tế, khuyến khích phát triển các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo chất lượng cao. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. 
 
Cải tạo, nâng cấp trường học đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, tổ chức nạo vét, hình thành các công viên mới: Công viên hồ Thịnh Lang, Công viên hồ Dè, Công viên hồ Gai, Công viên khu vực Kỳ Sơn. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới Đền thờ liệt sỹ tỉnh Hòa Bình, Nhà thi đấu tỉnh Hòa Bình, Bảo tàng Hòa Bình,... 
 
Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong nếp sống văn minh đô thị, từ văn hóa giao thông đến văn hóa sinh hoạt, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị. Có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác đô thị. 
 
Huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị: Thực hiện theo cơ chế quy định mức thưởng 100% phần vượt thu điều tiết tiền sử dụng đất về ngân sách cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho thành phố Hòa Bình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương tại Thông báo số 143-TB/TU, ngày 27/3/2023 và Nghị quyết số 268/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về mức thưởng vượt thu điều tiết tiền sử dụng đất đối với huyện Lương Sơn, huyện Mai Châu, huyện Tân Lạc và thành phố Hòa Bình, giai đoạn 2023-2026. Hằng năm, trong bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh cần ưu tiên cho thành phố Hòa Bình để nâng cấp hạ tầng đô thị, phân bổ tỷ lệ ngân sách phù hợp; cụ thể danh mục đầu tư theo từng lĩnh vực cho các công trình quan trọng thuộc tiêu chỉ bắt buộc của đô thị loại II. 
 
Huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016. Khai thác tối đa các nguồn thu, tiết kiệm chi, đặc biệt là thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, mở rộng các nguồn thu, huy động tốt nguồn vốn trong Nhân dân; khuyến khích người dân tham gia các hoạt động phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. 
 
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận xã hội. Thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng bộ máy chính quyền năng động, hành động và phục vụ. 
 
Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền đô thị; cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu thành phố Hòa Bình nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về cải cách hành chính; xem đây là nội dung quan trọng trong xây dựng, phát triển đô thị và chính quyền đô thị. 
 
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, quản lý, phát triển đô thị trong tương lai. Làm tốt công tác quy hoạch, đảm bảo sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về quản lý đô thị, quản lý kinh tế và có năng lực lãnh đạo, quản lý tốt. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp. Đấu tranh có hiệu quả các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị.
 
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hòa Bình căn cứ nội dung Kết luận này triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị mình. 
 
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo cụ thể hóa nội dung Kết luận thành cơ chế, chính sách ưu tiên cho thành phố Hòa Bình hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại II. 
 
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án xây dựng thành phố Hòa Bình đạt đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình vào năm 2025; chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận này. 
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến Kết luận này đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 
 
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Ngọc Tuyết
 
 
 

Tag:

File đính kèm