Rẫy trồng tiêu của anh Đinh Văn Nhớ, ấp 3, xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải.
Thông thường, những rẫy trồng tiêu của bà con xã Hòn Tre ở giữa lưng chừng núi. Đoạn đường từ chân núi lên đến các rẫy trung bình là khoảng 400m và rẫy xa nhất hướng lên đỉnh nủi hơn 1km. Với diện tích gần 3ha, rẫy trồng tiêu của anh Đinh Văn Nhớ tại ấp 3, xã Hòn Tre cách chân núi khoảng 300m. Tại đây, anh Nhớ trồng gần 2.000 dây hồ tiêu. Theo lời kể của anh Nhớ, sau khi nghỉ đánh bắt khai thác trên biển thì anh bắt đầu với công việc trồng tiêu trên sườn núi này đã hơn 10 năm. Còn những lão nông cố cựu trên đảo, thì hồ tiêu là cây truyền thống đã có mặt trên 20 năm. Mặc dù là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng phát triển kinh tế từ hồ tiêu là câu chuyện nhiều thăng trầm.
Anh Nhớ chia sẻ: “Do hồ tiêu trồng trên đất núi ở đảo phù hợp nên phát triển tốt, tuy nhiên các công việc vận chuyển cực, tiền thuê vận chuyển phục vụ cho canh tác trên núi tốn kém nên lời không được cao. Ngoài ra, cái khó nữa là việc tưới nước cho cây. Chúng tôi phải lấy nước từ trong rừng ra, sử dụng cái ống dây cỡ 10mm dẫn vào bồn chứa nhỏ. Nhưng cũng không nước tưới thường xuyên đâu, như nay tưới chỗ này, mai tưới chỗ kia, rồi khoảng 7-10 ngày thì mới tưới nữa vì không đủ nước".
Cách rẫy của anh Nhớ khoảng 600m, là đến vườn hồ tiêu của chị Tô Diễm Thúy. Thời điểm này, rẫy nhà chị Thúy vừa mới thu hoạch, với 2ha đất rẫy núi chị Thúy trồng 2.000 nọc tiêu, cho sản lượng thu hoạch đạt gần 2 tấn với giá cân cho lái từ 70.000-80.000 đồng/kg và giá bán lẻ là 100.000 đồng/kg. Được biết, giá này đã tăng trở lại và đang ổn định, nhưng khoản lợi nhuận chỉ đủ bù cho công đầu tư, chăm sóc. Hơn nữa, gần 3 năm trở lại đây tiêu còn bị hiện tượng chết nhanh, thu hoạch không bằng mọi năm. Khó khăn về điều kiện sản xuất, đặc biệt là về biến động giá cả thị trường, nhiều bà con không mặn mà với hồ tiêu.
Năm 2021, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và địa phương, chị Thúy đã xây dựng thành công hồ tiêu Hòn Tre đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là một trong những hoạt động khẳng định chất lượng sản phẩm để nâng tầm giá trị hồ tiêu Hòn Tre trên thị trường. Hiện tại, để vực dậy sức sống cho hồ tiêu, địa phương đang từng bước hướng nhà nông tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật và canh tác hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Tre, cho biết: “Chúng tôi đã vận động,tuyên truyền cho bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, nguồn giống mới, sử dụng các loại phân hữu cơ để cây tiêu sinh trưởng tốt, hướng đến canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, đối với sản phẩm tiêu Hòn Tre đã được công nhận OCOP 3 sao thì cũng khuyến cáo bà con thực hiện theo đúng quy trình OCOP để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con về mã vạch, mã vùng để xúc tiến hoàn thiện hồ sơ góp phần phát triển cây tiêu trong tới gian tới".
Thổ nhưỡng của đất núi ở đảo Hòn Tre đã làm nên nét đặc trưng cho sản phẩm hồ tiêu nơi này là hạt nhỏ nhưng chắc, thơm và cay nồng, được nhiều khách hàng ưa chuộng Ngoài những giải pháp trong canh tác sản xuất, hiện xã Hòn Tre đã thành lập hợp tác xã. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, công ty đầu tư cùng với nhà nông nâng cao hiệu quả canh tác hướng đến trồng hồ tiêu trên đất núi đạt tiêu chuẩn sạch cũng như việc liên kết bao tiêu sản phẩm, bền vững.
Thúy Tài