Thành viên tổ thu gom rác thải nhựa của Hội Nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, đến bè nuôi cá của người dân thu gom rác để phân loại, tiêu hủy.
Hòn Nghệ là 1 trong 2 xã đảo của huyện Kiên Lương, cách đất liền khoảng 15 km. Đây là địa phương nuôi cá lồng bè nhiều nhất của tỉnh với hơn 1.000 lồng nuôi. Trước đây, do thói quen và nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, nên người dân nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ vứt rác thải sinh hoạt, túi nilon đựng thức ăn nuôi cá xuống biển. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như dòng chảy của nước biển, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi cá lồng bè của người dân địa phương. Hằng năm, do ảnh hưởng của rác thải nhựa trôi trên biển bám vào các lồng bè gây mất oxy cục bộ khiến cá chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ nuôi cá.
Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Trước thực trạng trên, nhận thấy vấn đề cấp bách hiện nay là cần làm sạch mặt nước biển trong khu nuôi trồng thủy sản, mà trước hết là nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường biển, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập 1 tổ chuyên thu gom rác thải nhựa trên biển với 6 thành viên. Các thành viên ngoài nhiệm vụ tuyên truyền cho nông dân, các hộ nuôi bè, các phương tiện khai thác hải sản nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, đó là không vứt rác thải nhựa xuống biển mà bỏ vào một chỗ để các thành viên đến thu gom. Mỗi tuần 2 lần, các thành viên của tổ tiến hành thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo quy định nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền cũng như thấy được lợi ích của mô hình mang lại, nhiều hộ nuôi cá lồng bè đã tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Đến nay, ngoài việc tự nguyện thu gom rác thải theo quy định, nhiều hộ gia đình còn ủng hộ kinh phí cho tổ hoạt động. Bà Nguyễn Kim Trang, ở ấp Bãi Chướng và ông Đinh Văn Sơn, ở ấp Bãi Nam, cho biết: Việc làm của tổ thu gom rác thải có ý nghĩa thiết thực góp phần bảo vệ môi trường biển. Tôi đồng tình ủng hộ và thực hiện việc bỏ rác thải sinh hoạt, túi nilon đúng nơi quy định, tạo thuận lợi cho các thành viên của tổ đến thu gom. Chúng tôi mong mọi người dân trên xã đảo hãy cùng chung tay thực hiện để môi trường ngày càng sạch, đẹp hơn.
“Mô hình đi vào hoạt động trong thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, lượng rác thải trênb iển trong khu vực nuôi bè của người dân giảm hẳn, nhờ đó lượng cá thiếu oxi cục bộ chết giảm so với các năm trước. Ngoài ra, từ hiệu quả thiết thực của mô hình, đến nay mô hình thu hút thêm hội viên tham gia. Hội Nông dân xã phấn đấu đến năm 2025 có từ 25 đến 30 hộ tham gia mô hình thu gom rác thải nhựa góp phần làm sạch môi trường biển, duy trì bền vững nghề nuôi cá bè trên biển, thúc đẩy kinh tế xã nhà phát triển, chung tay duy trì các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao". Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ (Kiên Lương), thông tin thêm.
Văn Phụng