Sign In

Tiềm năng nuôi cá mú trong ao đất ở huyện Kiên Lương

00:00 23/11/2023
Với vị trí địa lý giáp biển, huyện Kiên Lương là địa phương có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài tôm là đối tượng nuôi chủ lực còn có một số đối tượng nuôi mang giá trị kinh tế cao cho bà con. Trong đó, phải kể đến cá mú Trân Châu đang được triển khai nuôi có hiệu quả trong ao đất.

23-11-23_8868f09d602a63919905057864015141.jpg

Ông Lê Văn Hòn, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (bên phải) thực hiện hiệu quả mô hình nuôi cá mú trong ao đất.

 

Ông Lê Văn Hòn, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, đang thực hiện nuôi cá mú Trân Châu trong 3 ao đất, với quy mô 1.000 m2/ao nuôi. Theo ông Hòn, thực hiện canh tác theo quy định giao khoán đất rừng phòng hộ, ông đã lên mô hình nuôi cá mú trong ao đất gần 20 năm nay. Tuy nhiên đạt hiệu quả lợi nhuận nhất từ khi được Trung tâm Khuyến nông tập huấn kỹ thuật và hướng nuôi loại cá mú Trân Châu. Ông Hòn chia sẻ: “Cá mú Trân Châu nuôi ở ao đất sẽ hiệu quả hơn loài cá mú đen trước đó. Thực hiện nuôi loại giống cá mú Trân Châu,chúng tôi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% giống cá và 30% thức ăn".

Cũng theo ông Hòn, nguồn cá giống được lấy từ Nha Trang nên đảm bảo về chất lượng, tỷ lệ hao hụt ít. Cá dưới 3 tháng tuổi, chủ yếu cho ăn thức ăn dạng viên, cá từ 3 tháng trở lên, ông cho ăn cá mồi, cá tạp. Trong quá trình nuôi ông theo dõi cá và thay nước thường xuyên nên cá ít bị nhiễm bệnh, đạt tỷ lệ sống từ 70% trở lên. Nuôi từ 8-10 tháng là có thể xuất bán, đạt trọng lượng 800 gram đến 1,2 kg.

Việc nuôi cá mú trong ao đất dưới tán rừng phòng hộ ven biển còn đạt hiệu quả cao nhờ vào độ mặn thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để cá sinh trưởng. Với 5 ao đất rộng khoảng 5.000 m2 chuyên nuôi cá bống mú, ông Trần Kỳ Thương, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, thu lời hơn 200 triệu đồng mỗi năm trừ chi phí. Ông Thương cho biết “Cũng nhờ có sự hỗ trợ về kỹ thuật của các cán bộ địa phương và Trung tâm Khuyến nông mà hộ nuôi được tiếp cận những kỹ thuật chăm sóc cá tốt hơn, chứ trước đó nuôi chủ yếu biết sao làm vậy". 

Tính riêng xã Bình An hiện có 33 hộ nuôi cá bống mú với diện tích khoảng 34 ha. Trong bức tranh kinh tế tổng thể của Bình An, mô hình này là điểm nhấn nổi bật, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, việc ổn định đầu ra, giá cả trên thị trường cũng như xu hướng nuôi trồng để xuất khẩu là những vấn đề cấp thiết được đặt ra để đảm bảo tính lâu dài và bền vững cho mô hình này.

Đồng chí Trần Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hải, cho biết: “Những tháng cuối năm 2023 giá cả cá mú trên thị trường bấp bênh, có thời điểm xuống rất thấp, giá nằm ở mức bằng giá sản xuất. Trước tình hình thực tế Ủy ban nhân dân xã đã có tuyên truyền, vận động tiếp tục duy trì mô hình này, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi để ứng phó với những ảnh hưởng về điều kiện thời tiết hay các vấn đề liên quan trong quá trình nuôi. Chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Kinh tế, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ tìm hướng ra cho thị trường cá thương phẩm đảm bảo tính lâu dài, bền vững cho việc nuôi cá mú và nhiều đối tượng thủy hải sản khác…". 

Thúy Tài

Tag:

File đính kèm