Đồng chí Giang Thanh Khoa, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham quan Cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Chương trình hành động số 36-CTr/TU, ngày 27/02/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; hoạt động khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường, đã hình thành, triển khai 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Vùng nông nghiệp công nghệ cao Trung Sơn Kiên Giang, Vùng lúa ứng dụng công nghệ cao Trung An Kiên Giang và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Minh Phú Kiên Giang; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển về số lượng, đến nay có trên 1300 cán bộ khoa học công nghệ, chiếm khoảng 7 người/vạn dân, 100% cán bộ phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ có trình độ từ đại học trở lên; hợp tác, liên kết về khoa học và công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực; tỉnh đã tạo điều kiện cho các địa phương liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
Việc triển khai thực hiện 5 chương trình khoa và học công nghệ trọng điểm của tỉnh và các chương trình khoa học và công nghệ được thực hiện khá đồng bộ và toàn diện. Toàn tỉnh có 81 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực, trong đó, có 3 đề tài, dự án cấp quốc gia, 53 đề tài, dự án cấp tỉnh, 25 đề tài, dự án cấp cơ sở; có 257 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm cấp quốc gia (hạng 5 sao), 172 sản phẩm cấp tỉnh (có 39 sản phẩm hạng 4 sao, 133 sản phẩm hạng 3 sao), 79 sản phẩm cấp huyện (hạng 3 sao); công tác khuyến công được quan tâm thực hiện tốt, giai đoạn 2022-2024 đã triển khai hỗ trợ các đề án gần 10 tỷ đồng... Chỉ số các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) của tỉnh đạt gần 35% tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp được đổi mới, hướng đến gia tăng hàm lượng công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm theo chuỗi giá trị..., góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,2%, 2021-2024 đạt trên 6,5%.
Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm, đề tài, dự án khoa học và công nghệ còn chậm, chưa có đề tài, dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá. Hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa nhiều; chưa tạo lập và phát triển được thị trường khoa học và công nghệ một cách ổn định, bền vững. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa huy động được nguồn lực ngoài xã hội đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến.
Đoàn Giám sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW làm việc với huyện An Minh.
Trước thực trạng trên; trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trung tâm để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Kế hoạch số 209-KH/TU, ngày 24/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Thứ hai, tranh thủ các nguồn lực xây dựng, triển khai thực hiện các đề tài, dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá, có tính liên tỉnh, liên vùng, đủ sức tác động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối cung cầu theo đơn đặt hàng, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các địa phương, nhằm tạo lập và phát triển thị trường khoa học và công nghệ một cách ổn định, bền vững.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền. Định hướng hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của từng địa phương, nhất là ở những lĩnh vực then chốt, mang tính chất đột phá.
Thứ tư, bố trí và sử dụng hợp lý kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là kinh phí cho việc triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và huy động được nguồn lực ngoài xã hội đầu tư phát triển khoa học và công nghệ ở từng địa phương.Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách và hệ thống các văn bản liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; có chính sách đãi ngộ đúng mức đối với các tổ chức, cá nhân đóng góp cho phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng hiện đại.
Thứ năm, quan tâm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cả về số lượng và chất lượng. Tập trung đào tạo cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao. Khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực phục vụ quản lý, tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Thú sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tích cực tiên phong trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức tôn vinh, có chính sách đãi ngộ đúng mức các tổ chức, cá nhân đóng góp cho phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với những thành tựu đạt được và những giải pháp nêu trên cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, tin tưởng rằng khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục phát huy vai trò là động lực thúc đẩy đưa Kiên Giang phát triển nhanh, hài hòa và bền vững.
Đinh Thị Hồng Thắm
Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang