Một góc thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng.
Thị trấn Giồng Riềng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Giồng Riềng; có diện tích tự nhiên là 2.272,95 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 1.900 ha. Đây còn là địa bàn trung tâm, giáp ranh với 7 xã trong huyện; có tỉnh lộ 963, 963B, 963C chạy qua địa bàn. Thị trấn có 12 tuyến phố đăng ký văn minh đô thị, trong đó có 7/12 tuyến phố được công nhận đạt chuẩn Tuyến phố văn minh đô thị từ năm 2019. Ngày 26/12/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2952/QĐ-UBND về việc công nhận thị trấn Giồng Riềng đạt chuẩn Đô thị loại V. Đây là cơ sở, tiền đề để tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển đô thị xây dựng thị trấn Giồng Riềng thành đô thị loại IV.
Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thị trấn Giồng Riềng đối với sự phát triển của huyện, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn Đô thị loại IV trên địa bàn thị trấn. Hiện nay, thị trấn Giồng Riềng đã đạt 55/63 tiêu chuẩn thành phần theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH15 ngày 25/5/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội về phân loại đôi thị.
Còn lại 8 tiêu chuẩn chưa đạt: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị đạt 69%/70%; cơ sở y tế cấp đô thị bình quân trên 10.000 dân (25 giường/10.000 dân), đạt 20,36 giường/10.000 dân; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 7,08%/12%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật mới đạt 10%... Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự đô thị, xây dựng của thị trấn còn gặp khó khăn do người dân xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch còn khá phổ biến; nguồn lực đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; không gian khu vực nội thị của thị trấn nhỏ hẹp...
Đồng chí Trần Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Giồng Riềng,cho biết: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế vướng mắc, xây dựng thị trấn Giồng Riềng được công nhận Đô thị loại IV vào năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ thị trấn, Đảng bộ thị trấn Giồng Riềng thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm, như sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định của Nhà nước về trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động được thực hiện thống nhất, thường xuyên, liên tục, rộng rãi, có chiều sâu, tổng hợp nhiều hình thức. Nội dung phải phong phú, đa dạng, đi sâu phản ánh tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, xây dựng mỹ quan đô thị. Tuyên truyền các biện pháp tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém về quản lý trật tự đô thị, tạo chuyển biến tích cực về nếp sống văn minh đô thị, mỹ quan đô thị, tạo môi trường đô thị thân thiện, lành mạnh trên địa bàn thị trấn. Động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân có thành tích nổi bật, đóng góp tích cực, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy định về quản lý trật tự đô thị.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, bảo đảm sự phối hợp thống nhất giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn đối với công tác quản lý trật tự đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; vai trò của các lực lượng trong công tác quản lý trật tự đô thị. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tăng cường lực lượng cho Tổ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị; điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, bố trí thời gian hoạt động phù hợp cho đội quản lý chợ; chăm lo chế độ, chính sách cho người trực tiếp làm công tác quản lý trật tự đô thị. Khắc phục ngay tình trạng quen biết, nể nang, ngại va chạm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý trật tự đô thị.
Ba là, tập trung rà soát, đánh giá, phát huy các mô hình hoạt động có hiệu quả, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của thị trấn. Quan tâm thực hiện các chính sách xã hội đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp tục duy trì trật tự mua bán trong khu vực chợ thị trấn gắn với tiếp tục sắp xếp, chỉnh trang, tạo thêm mặt bằng bố trí những người chưa có nơi mua bán vào các khu vực mua bán theo quy định.
Bốn là, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả trong quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng những nhân tố điển hình trong quá trình thực hiện. Kịp thời khen thưởng, động viên những đơn vị, các nhân có thành tích và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện kém hiệu quả.
Lê Thanh Xuân