Sign In

Kiên Giang có 42/49 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

00:00 25/11/2023
​Năm 2023, tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục ổn định, có bước nâng lên. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

26-11-23 giup dan.jpg

Cán bộ, chiến sĩ, quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào Khmer huyện Giang Thành.


Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra điểm nóng, mất trật tự an toàn xã hội. Tích cực phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS nhất là trong hòa giải các vụ khiếu nại tố cáo tại địa phương. Tăng cường vận động đồng bào DTTS tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tích cực phát động trong cán bộ, sư sãi và đồng bào DTTS đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Tổ chức tốt các hoạt động nhân ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ Sen Đôn Ta của đồng bào Khmer năm 2023. Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS luôn được gìn giữ và phát huy; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Hoa, Chăm, Khmer đón lễ, tết theo phong tục truyên thống. Một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục duy trì việc dạy và học chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc người Khmer. Hiện nay, toàn tỉnh có 34 câu lạc bộ và đội văn hóa - nghệ thuật của người Hoa, người Khmer.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 8.941/10.298 học sinh DTTS hoàn thành chương trình học ở 3 cấp học, chiếm 86,82%. Các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội khác được các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng nông thôn mới được đồng bào quan tâm hưởng ứng thực hiện, đến nay đã có 42/49 xã vùng đông bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt. Hoạt động y tế vùng đồng bào DTTS không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 100%; tỷ lệ trạm có bác sĩ là người DTTS làm việc đạt 6,2%; tỷ lệ ấp có cán bộ y tế là người DTTS đạt 3,78%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh 89,3%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 88,2%; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia BHYT đạt 91%.

Năm 2024, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn; chủ động nắm chắc tình hình đời sống của đồng bào, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX vềcông tác dân tộc trong tình hình mới; Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 10/10/2023 về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer vào dịp hè và chữ Hoa tại các trường ngoài công lập, cơ sở tôn giáo (chùa Phật giáo Nam tông Khmer) trên địa bàn tỉnh; chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động thể thao truyền thống và đội văn nghệ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đặc thù trong vùng đồng bào DTTS, như: Tổ chức các hoạt động nhân ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn Ta, lễ Ok Om Bóc của đồng bào dân tộc Khmer; Tết Roya Haji của đồng bào Chăm; tham gia tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Kiên Giang lần thứ XVI và thực hiện chính sách đối với người Hoa, người Chăm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là, tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến cho người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2024.

Nguyễn Hoa

Tag:

File đính kèm