Ban Chấp hành Hội KTS tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2025-2030 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và đại biểu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa V, trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW Ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 Hội KTS tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành quả quan trọng là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Xây dựng, các cơ quan, đơn vị liên quan và trên hết là sự đoàn kết nhất trí, sự năng động của Ban chấp hành (BCH) Hội cùng với sự đam mê đầy nhiệt quyết và say mê sáng tác các công trình kiến trúc, quy hoạch của toàn thể hội viên Hội KTS từ đó đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh nói chung và của ngành xây dựng nói riêng.
Một số kết quả nổi bật như: Hội KTS tỉnh Kiên Giang thường xuyên tham gia góp ý, phản biện với trên 300 đồ án quy hoạch đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu cụm công nghiệp được lập và phê duyệt, tạo động lực phát triển đô thị, làm nền tảng cho công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, như:
Đồ án Quy hoạch chung thành phố Rạch Giá đến năm 2040, với mục tiêu cân bằng và phát triển bền vững cấu trúc đô thị kinh tế bền vững - xanh, phát huy kinh tế biển, hoàn thành và đạt các chỉ tiêu đô thị loại I là trung tâm lớn nhất tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và là Trung tâm thương mại Đầu mối cấp vùng.
Đồ án Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhằm phát triển đảo Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch nghĩ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồ án Quy hoạch chung thành phố và khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040, theo đó cấu trúc đô thị thành phố Hà Tiên và khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên hình thành trên các chiến lược chủ đạo gồm: Chiến lược phát triển đô thị đối ngẫu; chiến lược phát triển đô thị di sản và công nghiệp văn hoá; chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu, cảng sân bay... theo Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ
Việc Quy hoạch vùng trên địa bàn các huyện: Tân Hiệp, Hòn Đất, An Biên, U Minh Thượng, An Minh; Quy hoạch chung đô thị gồm U Minh Thượng, Sóc Sơn, Hòn Đất, Tân Hiệp, Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Mười Một, Gò Quao, Châu Thành; Quy hoạch các khu du lịch thuộc địa bàn thành phố Phú Quốc; Quy hoạch Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành; Quy hoạch cụm công nghiệp Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao; Quy hoạch cụm công nghiệp cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành.
Các đồ án quy hoạch chi tiết: Khu đô thị Tây Bắc (Giai đoạn 1), phường Vĩnh Quang (quy mô: 99,84 ha); Khu đô thị Phú Quý - Dự án lấn biển Tây Nam Rạch Sỏi (quy mô: 99,99 ha); Quy hoạch chi tiết phường Vĩnh Thanh Vân (lấn biển mở rộng phường Vĩnh Thanh Vân - quy mô: 91,66 ha); Cảng hành khách Rạch Giá, phường Vĩnh Thanh (quy mô: 34,96 ha); Khu dân cư và chợ nông sản phường Vĩnh Quang (quy mô: 14,12ha); Khu dân cư Bắc Vĩnh Quang, phường Vĩnh Quang (quy mô: 25,25 ha); Khu dân cư Nam An Hòa, phường An Hòa (quy mô: 39,36 ha), thuộc thành phố Rạch Giá. Tham gia góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển đô thị, nhiều công trình được đưa vào hoạt động, tạo bộ mặt mới cho thành phố Rạch Giá như: Dự án Quảng trường Biển, Chung cư Sophia thuộc Khu đô thị Phú Cường; Dự án Quảng trường và Trung tâm sinh hoạt cộng đồng Trần Quang Khải, thuộc phường An Hòa, Công viên Nguyễn Trung Trực thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, Công viên bờ kè đường Nguyễn Thái Học nối dài thuộc phường Vĩnh Bảo, Công viên đường Tôn Đức Thắng,..
Đóng góp vào Một số Dự án công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cống Cái Lớn, Cái Bé vừa chống xâm ngập mặn, vừa tạo cảnh quan cho vùng đô thị sông nước. Các công trình như: Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung Bướu Kiên Giang, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, Nhà thi đấu đa năng đã góp phần phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, phục vụ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các công trình vốn đầu tư từ các Tập Đoàn kinh tế lớn cũng góp phần làm thay đổi cảnh quan một vùng đất biển Phú Quốc như Cáp treo Hòn Thơm, Dự án Địa Trung Hải Nam Phú Quốc, Safari Phú Quốc, Vinwonder Phú Quốc, Các khu đô thị mới Phú Cường, khu đô thị mới Tây Bắc Rạch Giá đã khởi động sức sống của thành phố biển Rạch Giá. Các KTS trong tỉnh đã đóng góp các ý tưởng để hình thành bản sắc các đô thị trong tỉnh như: Ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cho đô thị TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc…
Hội luôn bảo đảm cho hội viên tham gia sáng tác nghiên cứu khoa học, hỗ trợ kiến thức thông qua các lớp bồi dưỡng, quản lý Nhà nước về đô thị, xây dựng. Các hội viên luôn đề cao trách nhiệm của KTS và trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kiến trúc, quy hoạch xây dựng tỉnh nhà.
Mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ 2025-2030, Hội KTS tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động hội nhập, phấn đấu vì một nền kiến trúc "xanh" và môi trường đô thị phát triển bền vững. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ chặt chẽ qui định của nhà nước về quản lý hoạt động và hành nghề. Trong đó, Tiếp tục nâng cao năng lực sáng tác của kiến trúc sư, tạo điều kiện cho KTS thể hiện năng lực, nỗ lực nâng cao chuyên môn, kiên trì học tập, lấy sáng tác làm niềm vui, lan tỏa sự đam mê với đồng nghiệp, xem mỗi công trình dù nhỏ hay lớn cũng là một tác phẩm mà tính thẩm mỹ và hiệu quả về công năng sử dụng công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền nghề nghiệp, phát triển mối quan hệ giữa KTS với cộng đồng, tổ chức triển lãm kiến trúc tối thiểu mỗi năm một lần. Tiếp tục khẳng định và giữ vị trí của người KTS sáng tác, hành nghề góp phần thiết thực vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nền kinh tế của tỉnh nhà thông qua sáng tác thiết kế. Học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, có nhiều công trình được đồng nghiệp, người dân đánh giá cao. Tổ chức hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, mỗi KTS hàng năm phải có ít nhất 01 công trình sáng tác hoặc một sáng kiến hay để phát triển trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch, dù công tác trong bất kỳ cơ quan, đơn vị nào. Kiến trúc sư trong các đơn vị tư vấn phấn đấu có nhiều công trình có giá trị thẩm mỹ kiến trúc được đánh giá cao, không vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng xây dựng. Tổ chức tốt các hoạt động của Hội KTS Kiên Giang, tổ chức sinh hoạt Hội đúng định kỳ và hoạt động có chất lượng, nội dung thiết thực, mỗi hội viên phải tự giác đóng góp hội phí cho Hội. Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chấp hành, phải hoạt động thường xuyên, có chương trình, có kế hoạch cụ thể được công bố trong suốt nhiệm kỳ và hàng năm tổ chức kiểm điểm công tác định kỳ để rút kinh nghiệm kịp thời…
Tại phiên trù bị (ngày 25/10) Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 08 thành viên, trong đó: KTS Nguyễn Thanh Nhã làm Chủ tịch Hội; và 03 Phó Chủ tịch Hội, gồm: KTS Lê Quang Tuấn, KTS Quảng Trọng Sang, KTS Nguyễn Thanh Tùng; và 04 ủy viên.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đánh giá cao kết quả đạt được trong nhiệm kỳ V của Hội KTS tỉnh Kiên Giang, sự chuẩn bị chu đáo trong việc tổ chức Đại hội lần thứ VI, đã đề ra những nhiệm vụ phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, của đất nước trong tình hình mới. Cố gắng vượt qua những khó khăn chung, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới cần phát huy truyền thống đoàn kết, một lòng, năng động, sáng tạo, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp chuyên môn, phấn đấu quyết tâm vì một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc./.