Doanh nghiệp Kiên Giang và Ấn Độ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị quốc tế xúc tiến thương mại - du lịch - đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Kiên Giang năm 2023.
Kiên Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong vùng Vịnh Thái Lan, gồm các nước Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore); đóng vai trò cầu nối của các tỉnh miền Tây Nam bộ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Toàn tỉnh hiện có trên 11.532 doanh nghiệp, thu hút trên 112.077 lao động.
Đội ngũ doanh nhân trong tỉnh không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng truởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Đa số các doanh nhân đều có ý thức chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước; tham gia các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động vì cộng đồng, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương. Các doanh nghiệp ngày càng gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển chung của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để đạt được những kết quả trên phần lớn xuất phát từ nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế được nâng lên; quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, tham mưu bổ sung, sửa đổi, ban hành các văn bản, giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nhân phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng nhiều hình thức. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Đưa hàng Việt về nông thôn", “Tuần lễ doanh nghiệp", tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh Kiên Giang và tổ chức tiếp các đoàn nước ngoài đến làm việc, xúc tiến thương mại như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ…
Các cơ quan, ban, ngành chức năng kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh. Hỗ trợ các hội viên và doanh nghiệp trong tỉnh, thông qua website, Zalo liên kết các hội viên Hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; Zalo hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu, nhãn hiệu và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ ít nhất hai lần/năm, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn nhất là các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, vay vốn, cấp phép lao động cho người nước ngoài, các thủ tục hải quan, các cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động.
Trong 10 năm qua, tỉnh luôn tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư, như:VinGroup, SunGroup, BimGroup, CEOGroup, MIKGroup, Milltol, nhà máy gỗ MDF, Công ty sản xuất giày, da xuất khẩu Thái Bình Kiên Giang, Công ty Bia Sài Gòn... góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Kiên Giang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân đông về số lượng, mạnh về chất lượng, có giác ngộ về chính trị, có tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc; có kiến thức khoa học, quản lý kinh tế; có văn hóa, đạo đức và nghệ thuật kinh doanh; nắm chắc pháp luật để đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi công vụ của bộ máy chính quyền, hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp; sử dụng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển nhanh, bền vững. Nâng lên năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.
Tăng cường gặp gỡ đối thoại, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nâng cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, xây dựng hình ảnh doanh nhân của tỉnh năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quan tâm đến người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội…
Nguyễn Hoa