Sign In

Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương

00:00 25/11/2023
​Thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

25-11-23_f7b49ee1b5bff76a66e935b93d4383e7.jpg

Công nhân Công ty TNHH Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh: Bích Linh

 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2030, tỉnh tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về tài nguyên, nguyên liệu, vị trí địa lý,... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành công thương, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển ngành công thương nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Kiên Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều sán phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 đạt khoáng 8-10%/năm (trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt 8,0%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt từ 8-8,5%/năm). Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP đạt trên 18%; trong đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm trên 90%. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1-1,5%/năm. Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng bình quân trên 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%/năm.

Tỉnh xác định tái cơ cấu ngành công thương ở 5 lĩnh vực: Công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đối với từng lĩnh vực. Trong đó, xây dựng, ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn đến năm 2030. Tăng cường tổ chức các hội thảo xúc tiến, chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; đặc biệt các dự án lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển.

Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng. Ưu tiên đầu tư các dự án công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Thúc đẩy phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào trong sản xuất, xây dựng mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... để tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Xây dựng và phát triến hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, liên kết bền vừng giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng; triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử đối với những sản phẩm, hàng hoá tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm. Tăng cường thực hiện các hoạt động hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm của địa phương vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp tại địa phương về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đỗ Quyên

Tag:

File đính kèm