Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự hội nghị về phía tỉnh Kiên Giang có Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh.
Quang cảnh hội nghị.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi ngành hàng khắc phục tính phân mãnh, manh múng, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL. Do đó, để Đề án đạt được kết quả thực tế trên những cánh đồng cần phải có cách thức tiếp cận ngoài khung, ngoài những cách nghĩ, cách làm quen thuộc, cần những sự đổi mới linh hoạt, chủ động không ngừng về thể chế, các vấn đề mang tính nguyên tắc đến từng nội dung quản trị vận hành cụ thể.
"Trên hết cần thấu hiểu rằng Đề án không chỉ mang yếu tố kỹ thuật thông thường mà tích hợp nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, trong đó người nông dân có vai trò là trung tâm; doanh nghiệp có vai trò liên kết, kết nối giải quyết thị trường, các chuyên gia nhà khoa học khuyến nghị, hướng dẫn ứng dụng cách chuyển hóa; Nhà nước có vai trò khởi tạo và hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, địa phương có vai trò lồng ghép các nguồn lực nhất là sáng tạo trong triển khai thực hiện"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, với mục tiêu giảm 20% chi phí đầu vào Đề án sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.
Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; Đề án được triển khai theo 2 giai đoạn với diện tích 1 triệu hecta.
Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 18.000 hecta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định, kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.
Giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 82.00 hecta. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống chống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024-2025./.