Đồng chí Nguyễn Văn Hai (thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Khu lưu niệm Ranh Hạt - nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang).
Ông Nguyễn Văn Hai (tên thường dùng Nguyễn Văn Cầu, bí danh Hai Cầu), sinh năm 1928, quê xã Tân Phú, thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) trong một gia đình có truyền thống yêu nước; 17 tuổi đã giác ngộ ý thức cách mạng, xung phong tham gia vào Đội Thanh niên tiền phong xã Tân Phú, tỉnh Cà Mau.Ông là đoàn viên Thanh niên cứu quốc ấp Đập Đá, kinh 11, xã Vĩnh Thuận, huyện Hồng Dân; rồi làm Trưởng ban cán sự thanh niên cứu quốc ấp Vĩnh Phước, kinh 1, xã Vĩnh Thuận; Ủy viên Ban Chấp hành Xã đoàn xã Vĩnh Thuận; Xã đoàn phó thanh niên cứu quốc xã Vĩnh Thuận. Năm 20 tuổi, ông vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt trên quê hương Vĩnh Thuận, ông tham gia vào bộ đội địa phương quân huyện Hồng Dân, Chính trị viên Trung đội, Đại đội 2016 - Đại đội 52 địa phương quân Bạc Liêu. Có thời gian ông được tăng cường về xã Vĩnh Thuận làm Xã đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc, rồi Xã đội phó phụ trách tác chiến.
Đầu năm 1955, ông là Chi ủy viên Chi bộ bí mật phụ trách Thanh vận xã Vĩnh Thuận, rồi Trưởng ban binh vận xã kiêm Bí thư Chi bộ bộ phận - Đảng bộ đặc khu An Phước chợ Vĩnh Thuận. Thời điểm này, ngụy quyền Sài Gòn đã cho xây dựng đặc khu An Phước trên quê hương Vĩnh Thuận để “trả thù, tiêu diệt" những người cộng sản yêu nước. Thực hiện chính sách “Dĩ cộng, diệt cộng" của Ngô Đình Điệm, trong khu rừng tràm của địa chủ Nguyễn Hữu Phú (Bang Biện Phú), Lâm Quang Phòng và đồng bọn đã sát hại hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước.
Phong trào cách mạng đi vào khó khăn, tưởng chừng bế tắc. Ông Hai Cầu cùng chi bộ đảng đã lãnh đạo khẩn trương khôi phục, củng cố chi bộ xã và các cơ sở quần chúng; tập trung khôi phục chi bộ, các đoàn thể và cơ sở quần chúng cách mạng, nâng cao chất lượng đảng viên, lấy hiệu quả hoạt động chính trị làm cơ sở.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Rạch Giá, ông chỉ đạo việc xử trí những tên tay sai tề điệp ác ôn kềm kẹp quần chúng trong các khu dồn dân, hỗ trợ quần chúng trở về ruộng vườn cũ sản xuất, canh tác. Công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm, tình hình thời điểm này rất ác liệt, nhưng ông luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, tiên phong trong tổ chức, triển khai thực hiện nhằm củng cố phong trào cách mạng, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân về đường lối kháng chiến của Đảng, Bác Hồ.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, cùng Đảng bộ và nhân dân Rạch Giá lãnh đạo, chỉ đạo đánh và tiêu diệt địch, giữ vững trận địa. Tháng 10/1974, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Tuyên huấn - Tổ chức, kiêm Giám đốc Trường Đảng. Tháng 4/1975, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy mặt trận thị xã Rạch Giá. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân làm nên chiến thắng vẻ vang, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng hoàn toàn tỉnh Rạch Giángày 30/4/1975.
Trở về với cuộc sống thường nhật, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Cầu vẫn vẹn nguyên phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Hạnh phúc được đón ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông vẫn không nguôi trăn trở làm gì để góp phần nhỏ bé thực hiện mong muốn thiết tha tri ân những người làm nên thành quả ấy.
Ông đã đề xuất xây dựng Khu lưu niệm Ranh Hạt, nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) năm 1932. Ông cùng tập thể ban cố vấn phục dựng các khu di tích của Tỉnh ủy để thiết kế, đề xuất biểu tượng công trình, lặn lội thu thập thông tin, tư vấn lịch sử. 7 giờ 30 phút ngày 3/9/2009, Lễ khởi công xây dựng công trình Khu lưu niệm nơi ra đời Chi bộ Ranh Hạt tại ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận được khởi công. Ngày 3/2/2010, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lễ khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng Khu di tích Ranh Hạt trong niềm vui, hạnh phúc của những cô, chú lão thành cách mạng, của cán bộ và nhân dân Vĩnh Thuận.
Bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng cuộc sống và công việc của ông Hai Cầu vẫn gắn những chuyến đi, kết nối những tấm lòng hướng về nguồn cội. Nơi ông đến là những địa chỉ cách mạng, địa danh lịch sử, văn hóa, với những câu chuyện về vùng đất, con người Vĩnh Thuận trong suốt chiều dài lịch sử.
Không lâu sau đó, Nhà bia lưu niệm nơi căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá ở và làm việc giai đoạn 1966-1969 tại ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc được khánh thành. Ông là một nhân chứng lịch sử, người đã tư vấn, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về đặc khu An Phước - nơi Mỹ ngụy dựng lên một nhà tù, một pháp trường tàn ác nhất của miền Tây Nam Bộ. Để hôm nay, tại khu rừng tràm Bang Biện Phú, một công trình lịch sử đã được xây dựng khang trang nhằm tri ân anh hùng, liệt sĩ và nhân dân đã ngã xuống cho độc lập, cho hòa bình, hạnh phúc.
Ông bộc bạch, mỗi lần như vậy bản thân thấy vui hơn, đóng góp cho giáo dục lịch sử truyền thống để thế hệ trẻ tự hào, tri ân đồng bào, đồng chí năm xưa đã bao bọc, chở che cho cán bộ, cho cách mạng đến ngày thành công. Qua đó, thế hệ trẻ hiểu thêm những bài học lịch sử, khơi dậy trong các em tình cảm thiêng liêng đối với những giá trị mà thế hệ đi trước đã tạo dựng, để trân trọng, giữ gìn và biết ơn những thành quả hiện có.
Giờ đây, viết những dòng này để tiễn biệt, tri ân người chiến sĩ cộng sản, người con thân yêu của quê hương Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang với 97 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo quy luật của thời gian. Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang luôn tự hào có một người con ưu tú - Nguyễn Văn Cầu, để chúng ta và các thế hệ mai sau học tập, noi theo.
Võ Thanh Xuân