Sign In

Bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

00:00 22/02/2023
​Về nguồn là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội để cán bộ, giáo viên, học sinh bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đến các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền nhân đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Qua đó, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

23-2-23 88395d12ec2b.jpg

Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Khu di tích Ranh Hạt - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang.

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây là quan điểm đúng đắn, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động về nguồn đến các di tích lịch sử, văn hóa và thông qua các tác phẩm lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Hiểu lịch sử giúp thế hệ trẻ thêm tin yêu, tự hào, tự tôn về dân tộc, đất nước mình. Niềm tự tôn dân tộc là động lực để họ nỗ lực phấn đấu hoàn thiện mình trở thành công dân có ích, ra sức học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, phát triển.

Nhiều năm qua, Trường trung học cơ sở Vĩnh Phong 2 đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhằm bồi đắp lòng yêu nước, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những địa điểm đã từng một thời làm nên chiến thắng vẻ vang của đất nước như: Khu di tích Ranh Hạt, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; Khu căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá giai đoạn 1966-1969. Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập chi bộ Ranh Hạt, trường tổ chức về nguồn gắn với kết nạp 90 đoàn viên mới. Tại đây, các em được nghe kể về lịch sử hình thành Khu di tích Ranh Hạt, hiểu giá trị lịch sử của việc ra đời chi bộ Ranh Hạt, để các em tự hào về truyền thống quê hương Vĩnh Thuận anh hùng, từ đó giúp các em có động cơ trong sáng trong học tập, rèn luyện, cống hiến.

Trường còn tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích Lăng Mạc Cửu. Đây là nơi thờ dòng họ Mạc, mà khởi đầu là Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu - Người có công khai phá và phát triển vùng đất Hà Tiênhơn 300 năm trước. Qua đó, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, con người, văn hóa vùng đất Hà Tiên, biết ơn tiền nhân đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên Thập cảnh. Ngoài ra, các em còn được tham quan núi Đá Dựng. Trong 2 cuộc chiến tranh trước năm 1975, núi Đá Dựng là cơ sở hoạt động cách mạng, những năm 1977 - 1978 đây là một tiền đồn trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.Ngoài ra, các em còn được tham quan Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp, nơi yên nghỉ của một nhà nho yêu nước và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đến các địa chỉ đỏ, cán bộ, giáo viên, học sinh được bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sỹ, các bậc tiền nhân; được nghe những câu chuyện, tận mắt thấy những hiện vật, di tích dù rất đơn sơ, giản dị nhưng đã tạo nên những thành quả cách mạng vô cùng to lớn. Qua đó, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết tình cảm bạn bè, thầy cô, trang bị hành trang tri thức bổ ích trong hoạt động học tập và cuộc sống.

Mỗi hành trình về nguồn đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng cán bộ, giáo viên và học sinh về ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của quân và dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Từ đó, cán bộ, giáo viên vận dụng đưa vào bài giảng những nội dung minh hoạ phù hợp, có nguồn tư liệu để giáo dục truyền thống cho học sinh và  có lý luận để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Còn học sinh sẽ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập; luôn phấn đấu để trở thành một công dân có ích cho đất nước.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, góp phần bảo vệ nền tảng tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Ban giám hiệu nhà trường, từng cán bộ, đảng viên, giáo viên nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước học sinh. Từng bộ phận chuyên môn của trường phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới công tác vận động, tạo môi trường học tập, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh cho học sinh; sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, sâu sắc về ý nghĩa của phong trào, hoạt động phải được coi là mục tiêu hàng đầu.

Hai , tổ chức các hội thi tìm hiểu về các địa chỉ đỏ, lịch sử truyền thống của địa phương, nhà trường để các em tìm hiểu. Xây dựng các video, clip ngắn về các địa danh, di tích, nhân vật lịch sử, để đăng tải, lan toả trên mạng xã hội, website của nhà trường, thằm tuyên truyền đến các em học sinh, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. 

Ba , thành lập các nhóm zalo, facebook để kịp thời nắm bắt về tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận của giáo viên, học sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến thông tin trái chiều trước những sự kiện lịch sử của đất nước. Từ đó, kịp thời thông tin, tuyên truyền định hướng, phản bác những thông tin xuyên tạc, bịa đặt lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thời gian tới, dưới tác động tiêu cực của mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, việcgiáo dục bồi đắp lòng yêu nước cho cán bộ, giáo viên và học sinh là rất cần thiết, vì học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, cần thực hiện đồng bộ, hệ thống và toàn diện các giải pháp giáo dục nói chung, nhằm tạo ra thế hệ học sinh phát triển toàn diện, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước chân chính, biến chủ nghĩa yêu nước thành lý tưởng, lẽ sống để phát huy được sức mạnh và vai trò của mình với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Chí Đại

Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường trung học cơ sở Vĩnh Phong 2, huyện Vĩnh Thuận


Tag:

File đính kèm