Sign In

Kỷ niệm sinh nhật, Bác Hồ viết Di chúc

00:00 18/05/2023
​Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là tấm gương đạo đức cao cả, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, vô cùng khiêm tốn, giản dị. Hàng năm, vào dịp sinh nhật của mình, Bác thường làm thơ tự trào để mọi người xem đây là chuyện bình thường, hoặc Bác dành thời gian làm công tác ngoại giao, viết và sửa Di chúc, tiếp cán bộ miền Nam…

18-5-23 BacHo_Dichuc.jpg

Vào mỗi dịp sinh nhật, Bác Hồ lại dành thời gian viết và sửa Di chúc. Ảnh: TL


Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 có ý nghĩa đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như, Người đoán trước được quy luật tự nhiên mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua sinh - lão - bệnh - tử. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Buổi sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, vào lúc 9 giờ - giờ đẹp nhất của một ngày, Bác Hồ đã đặt nét bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật": “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm"… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột…". Từ đó, cứ vào dịp sinh nhật của mình, Người lại viết và sửa Di chúc.

Bước sang năm 1969, sức khỏe của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, ngày 10/5/1969, trong Di chúc của mình, Bác viết: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là hạng người “xưa nay hiếm". Nhưng tinh thần và đầu óc vẫn sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 tuổi, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ… Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi thấy đột ngột".

Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Chiều cùng ngày, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản và đầm ấm. 

Sáng ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Sau đó, Bác tiếp các cháu thiếu nhi là con các đồng chí phục vụ đến chúc thọ Người. Đúng 9 giờ, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Người thay đổi 3 chữ trên trang đầu: Bác thêm chữ “rất" thay chữ “như thường" trong câu “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường" để thành “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt". Trong câu “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi", Bác thay chữ “tuổi" bằng chữ “xuân". Bác dùng từ “sẽ" thay chữ “phải" trong câu “phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác"

Cũng trong ngày 19/5/1969, Bác dành thời gian tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Người. Bác dặn dò người phục vụ nấu ăn theo kiểu Nam bộ để chị Phan Thị Quyên và chị Nguyễn Thị Châu ăn cho ngon miệng. Dường như, trước lúc đi xa, những tình cảm sâu nặng nhất Bác luôn dành cho miền Nam ruột thịt.

Việt Hải


Tag:

File đính kèm