Sign In

Kiên Giang tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới

00:00 03/10/2023
​Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", công tác dân vận của tỉnh Kiên Giang có chuyển biến và đạt nhiều kết quả tích cực.​

3-10-23 bbb1e23f22f6032ec3ed3e218e193a80.jpg

Mô hình dân vận khéo “Vận động người dân trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan và đèn thắp sáng đường quê" ở xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng. Ảnh: Bích Linh.

 

Các cấp ủy đảng kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW, ngày 7/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW bằng các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Qua đó, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận được nâng lên; góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan nhà nước thực hiện công tác dân vận có chuyển biến tích cực, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với nhân dân, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề khó khăn, bức xúc nảy sinh; nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận và phong cách, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, quan hệ với nhân dân có chuyển biến tích cực.Trong 10 năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức 2.731 buổi tiếp xúc cử tri; hội đồng nhân dân các cấp ban hành 7.705 nghị quyết, tổ chức 23.396 buổi tiếp xúc cử tri; uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức đối thoại, gặp mặt 250 doanh nghiệp và 97.233 người dân. Sự phối hợp giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với dân vận, mặt trận và các đoàn thể ngày càng chặt chẽ hơn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ năm 2013 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã triển khai, tổ chức thực hiện 20 phong trào, 7 cuộc vận động, với hơn 19.200 mô hình trên các lĩnh vực; vận động Quỹ “Vì người nghèo" các cấp trên 52.000 tỷ đồng và hiện vật trị giá trên 2.500 tỷ đồng. Qua thực hiện các phong trào, cuộc vận động, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên. Tổng số đoàn viên, hội viên hiện nay là 625.926, đạt tỷ lệ 59,22% so với đối tượng, tăng 2,92% so cuối năm 2013 (56,3%). 

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy về công tác dân vận. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện nghị quyết. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải hiểu dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, tạo điều kiện để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ và thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân.

Tăng cường chỉ đạo đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phối hợp giữa uỷ ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện, tổ chức thực hiện đầy đủ công tác dân vận trong tình hình mới; triển khai thực hiện Luật Dân chủ cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt đạo đức công vụ, văn hóa công sở, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Xây dựng, nhân rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong hệ thống chính quyền. Phát huy trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nâng cao vai trò tham mưu thực hiện công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội, hội quần chúng. Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động thiết thực, gần dân, sâu sát cơ sở, gắn với quyền, lợi ích thiết thực, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tích cực phối hợp với chính quyền chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tham gia giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào thi đua “Dân vận khéo", quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời sơ, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình “Dân vận khéo", gương người tốt, việt tốt. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp hoạt động về công tác vận động quần chúng giữa ban dân vận với mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban nhân dân, lực lượng vũ trang và các ngành chức năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội;tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Đỗ Quyên


Tag:

File đính kèm