Xã Ngọc Chúc phát động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cách đây 60 năm, vào rạng sáng ngày 27/10/1963, dọc lộ mới xã Ngọc Chúc, Tiểu đoàn U Minh 10 (nay là Tiểu đoàn 207) phối hợp với tổ đặc công thuộc công binh tỉnh, địa phương quân huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao và du kích xã Ngọc Chúc phục kích tiêu diệt gọn Đại đội Bảo an chi khu Kiên Bình (nay là huyện Giồng Riềng). Đại đội Bảo an này cực kỳ gian ác, tàn bạo và man rợ. Chỉ hơn 4 năm (1959-1963), chúng bắt hàng ngàn người tra tấn tù đày, trong đó có gần 2.000 cán bộ, nhân dân bịgiết hại, có trường hợp bị chúng mổ bụng, lấy mật, moi gan.
Địch liên tục biệt kích đánh phá cách mạng rộng khắp giữa các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ và Hậu Giang. Nhiều lần ta tổ chức phục kích và tiêu diệt chúng nhưng bất thành. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) chỉ thị bằng mọi giá phải tiêu diệt cho được Đại đội Bảo An, không để chúng gây thêm tội ác với nhân dân, làm thiệt hại cơ sở cách mạng. Ta áp dụng chiến thuật “Công đồn đả viện", tập kích đồn Cái Đuốc Lớn, bố trí quân mai phục phía bắc tuyến lộ mới, chốt chặn ở Vườn Mận, Kinh Cà Lỳ, Mương Khai, Đập Đất, bờ bắc sông Cái Bé hình thành thế trận chặn đầu, khóa đuôi chia cắt địch tiêu diệt.
Với ý chí quyết thắng, khi địch lọt vào thế trận, ta đồng loạt nổ súng, nhiều tên bị diệt, số còn lại co cụm chống trả quyết liệt, giằng co từng đoạn lộ. Khi biết đụng với lực lượng mạnh, chúng mở đường máu chạy về chi khu. Ta khóa hết các đường tháo chạy, địch liều chết càn vào lực lượng phục kích,đánh “giáp lá cá" bằng lưỡi lê và bằng súng vô cùng khốc liệt. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, lực lượng của ta làm chủ trận địa, tiêu diệt Đại đội Bảo an và tên chỉ huy Võ Văn Sang.
Trận đánh tiêu diệt Đại đội Bảo an có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều nơi địch co lại, không dám đánh phá như trước, phong trào cách mạng trong tỉnh và vùng phụ cận phát triển, lực lượng vũ trang tỉnh nhà trưởng thành hơn. Đặc biệt, là niềm vui mừng, phấn khởi không chỉ của nhân dân Giồng Riềng mà còn có nhân dân các vùng giáp ranh, như huyện Gò Quao, Tân Hiệp, Châu Thành và một số vùng Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang… Sau chiến thắng, Tiểu đoàn U Minh 10 được Bộ Tư lệnh miền tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Tiếp nối tinh thần yêu nước, bất khuất của các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước, Đảng bộ, quân và dân xã Ngọc Chúc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên cường kháng chiến, từng bước giành thắng lợi, tiến tới giải phóng quê hương vào ngày 15/11/1974 sớm nhất huyện. Ghi nhận thành tích đó, năm 1996, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Chúc; ngày 8/11/2013, Chủ tịch Uỷ ban nhân dântỉnh Kiên Giang ký quyết định công nhận trận đánh Lộ mới Ngọc Chúc là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Kế thừa thành quả cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Chúc ra sức, nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Phấn đấu giữ vững tiêu chí xã nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; an toàn, an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn được củng cố, tăng cường; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Lê Thanh Xuân