Đạo đức cách mạng, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm nhiều yếu tố, tựu trung là trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, điều mấu chốt nhất là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.
Thấm nhuần điều đó, từ khi thành lập Đảng cho tới nay, đại đa số cán bộ, đảng viên luôn thể hiện rõ phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực, chủ động học tập, thấm nhuần và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Tuy nhiên, Đại hội đại XIII của Đảng đã thắng thắn chỉ rõ: Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của một số cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa.
Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.
Xác định đạo đức cách mạng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên và có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Theo đó, đã tổ chức triển khai học tập, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đặc biệt là ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 18/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đây được xác định là khâu mấu chốt để thực hiện việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đại đa số cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với lý tưởng cách mạng, kiên trì phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có ý thức chính trị cao trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.
Không mơ hồ, dao động trước những tình huống khó khăn, phức tạp; có ý thức, trách nhiệm và thái độ kiên quyết trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; luôn tích cực, tự giác trong việc học tập và nâng cao nhận thức chính trị, trình độ năng lực công tác của bản thân.
Gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đấu tranh với những tư tưởng sai trái, phản động chống phá Đảng, Nhà nước. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chịu khó nghiên cứu, học tập, hoặc học tập qua loa, sơ sài, nên nhận thức chưa sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Một vài trường hợp có đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác chưa chuẩn mực. Có trường hợp chưa nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, chưa xác định đúng động cơ phấn đấu, thiếu tự giác trong học tập, rèn luyện; chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Có những vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, ban thường cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã xem xét xử lý kỷ luật 21 tổ chức đảng (tăng 16 tổ chức đảng so với nhiệm kỳ 2010-2015) và 887 đảng viên (tăng 381 đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015). Năm 2022, có 206 đảng viên và 3 tổ chức đảng bị xem xét thi hành kỷ luật.
Trong thời gian tới, để tăng cường giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW; Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Quán triệt đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng và yêu cầu của giáo dục đạo đức cách mạng; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấu suốt tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Nội dung giáo dục đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng và giai đoạn nhất định. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với thực tiễn.
Và cuối cùng, sự tự giác rèn luyện của mỗi đảng viên có vai trò quyết định hình thành nên đạo đức cách mạng. Vì vậy, cần đưa việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thành nhu cầu trực tiếp, thói quen trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Sông Côn