Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho công tác PCTN,TC, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, về PCTN,TC nói riêng được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh.
Báo cáo số 380/BC-UBND ngày 10/11/2024 của UBND tỉnh đánh giá, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện PCTN,TC. Qua đó góp phần lan tỏa tinh thần PCTN,TC; nâng cao nhận thức của nhân dân về PCTN,TC; ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
| Tranh minh họa. Nguồn Tuyengiao.vn |
|
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật đối với việc mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, huy động; quản lý đất đai, tài sản công; công tác tổ chức - cán bộ; công bố công khai các thủ tục hành chính.
Qua việc triển khai thực hiện công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện; từ đó kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đặc biệt, công tác PCTN,TC được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác PCTN,TC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 4 vụ việc có hành vi tham nhũng, gồm vụ “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà); vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Phòng giao dịch Đăk Hà - Ngân hàng HD Bank Chi nhánh Kon Tum; vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Thuận Phong (huyện Sa Thầy); vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải).
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã triển khai 199 cuộc thanh tra, kiểm tra; đến nay đã kết thúc 157 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm hơn 9,5 tỷ đồng.
Đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế hơn 6,499 tỷ đồng; thu hồi về cho đơn vị hơn 37 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân 698,7 triệu đồng.
Đồng thời kiến nghị khắc phục các thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm còn tồn tại và kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm. Đến nay đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm 43 tập thể; 134 cá nhân; kỷ luật 1 cá nhân (hình thức kỷ luật khiển trách).
| Một góc thành phố Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban |
|
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 1.041 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó có 1.010 đơn đủ điều kiện xử lý (gồm 51 đơn khiếu nại, 17 đơn tố cáo, 942 đơn kiến nghị, phản ánh). Số đơn thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết của các cấp, các ngành là 579/1.010 đơn, chiếm tỷ lệ 57,33% tổng số đơn nhận được.
Đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết 543/579 đơn thuộc thẩm quyền, đạt 93,78%. Qua công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không phát hiện vụ việc tham nhũng.
Tuy nhiên, thực tế công tác PCTN,TC trong thời gian qua cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mà chủ yếu do nhân dân tố giác, báo chí phản ánh hoặc qua thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng. Tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một số người giữ chức vụ quyền hạn còn chưa nghiêm.
Điều này cho thấy, vấn đề gốc rễ của PCTN,TC là vấn đề con người, vấn đề công tác cán bộ, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Bởi vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác PCTN,TC và lãng phí.
Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật và các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Sông Côn