Sign In

Đồng chí U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

23:10 22/08/2024

Tại phiên họp thứ 36, sáng ngày 22-8-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các đại biểu dự tại điểm cầu của tỉnh.
 

 

Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nghe Minh Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Phiên họp sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, tiến hành chất vấn 2 nhóm lĩnh vực, thứ nhất là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm lĩnh vực thứ hai là việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
 
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã trả lời chất vấn của các ĐBQH về các nội dung liên quan đến giải pháp, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; công tác quy hoạch và xây dựng quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp, lộ trình sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai; giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng phân bón trong thời gian tới; giải pháp bảo vệ thương hiệu nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; giải pháp xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng về thủy sản với Việt Nam…
 
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ĐBQH đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới; tình hình thực hiện Thỏa thuận EMRA đối với dịch vụ du lịch tại Việt Nam; bên cạnh đó, làm rõ giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch đêm để thúc đẩy du lịch...
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết về phát triển du lịch xanh, trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã ưu tiên lựa chọn sản phẩn du lịch xanh. Trong đó có 4 dòng sản phẩm chính đã toát lên toàn bộ nội hàm bên trong là phát triển du lịch xanh và bền vững. Chính phủ đã có Nghị quyết số 82/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08/CT-TTg để tập trung vào nội dung này. Trong đó, có điểm cần lưu ý là phát triển du lịch bền vững, không phải theo mùa vụ, mà phải dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm có tính chất nổi trội để xây dựng các hệ thống nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng. Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú đến môi trường sinh thái.
 
Về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý di sản, chúng ta trong quá trình triển khai kinh tế số và lĩnh vực di sản cũng trong quá trình đó. Bộ đã triển khá nhiều hoạt động số hóa hoạt động thư viện, bảo tàng và bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, nhất là phát huy yếu tố di sản. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có sự tham gia của các thành phần khác nhau, không chỉ có đầu tư công. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến cũng có các điều quy định về số hóa trong lĩnh vực di sản.
 
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện; có giải pháp gì để xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái...

 

Vũ Hồng Sơn

Tag:

File đính kèm