Sign In

Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới

06:04 07/04/2023
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo là góp phần quan trọng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Thực tiễn những năm qua, với rất nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tôn giáo, đã khẳng định quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong và ngoài nước.

Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, song cũng kiên quyết chống lại các hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vì những mục đích chính trị xấu.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới của đất nước, có hơn 54% dân số là đồng bào DTTS. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 5 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo) với tổng số 218.674 tín đồ (trong đó có 160.626 tín đồ là đồng bào DTTS); có khoảng 247 chức sắc; khoảng 221 nhà tu hành là nữ tu đạo Công giáo; 140 cơ sở tôn giáo hợp pháp.

Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ trí thức, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo chúc Tết Tỉnh ủy. Ảnh: HOÀI TIẾN

 

Mặc dù mỗi tôn giáo có một lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, song nhìn chung trong những năm qua, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”;  chấp hành  đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật, hiến chương, nội quy của giáo hội; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

Trong quá trình phát triển cũng như trong quản lý xã hội, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kon Tum luôn quan tâm và thực hiện đúng đắn các chính sách liên quan đến tôn giáo và dân tộc, đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào DTTS nói riêng, nhân dân trên địa bàn nói chung.

Trong những năm qua, chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các tôn giáo thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, phát triển tôn giáo. Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo, đại đa số hoạt động của các tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ pháp luật trên tinh thần “tốt đời đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển địa phương.

Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo và giải quyết kịp thời các nhu cầu, kiến nghị chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong hoạt động tôn giáo; cấp phép xây dựng, sửa chữa các công trình tôn giáo.

Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý nhà nước các hoạt động tôn giáo tại tỉnh Kon Tum còn có những bất cập nhất định, như đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý; một số hoạt động của các tôn giáo còn vi phạm những qui định của pháp luật.

UBND huyện Sa Thầy tặng Giấy khen cho chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo. Ảnh: Trần Huyền

 

Một số hoạt động tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và phát sinh những vấn đề mới tác động tới an ninh, trật tự (ANTT), phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vẫn còn tình trạng lợi dụng tự do tôn giáo để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính, như tự ý lập các cơ sở thờ tự trái phép, lôi kéo người dân tham gia; kêu gọi tài trợ, ủng hộ, quyên góp nhằm trục lợi bất chính.

Một số “đạo lạ” du nhập từ bên ngoài vào như Pháp luân công, Thanh Hải vô thượng sư, Pháp môn diệu âm và “đạo lạ” hình thành trên địa bàn như Tin lành Đề ga, tà đạo Hà Mòn, Tin lành Đấng Christ, lôi kéo người dân tham gia; móc nối với các đối tượng phản động bên ngoài ngấm ngầm chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các mưu đồ chính trị.

Khi bị chính quyền xử lý, số đối tượng này sử dụng internet đăng tải các thông tin sai sự thật, tuyên truyền nói xấu chính quyền, nói xấu Đảng hòng kích động quần chúng nhân dân gây mất ANTT và ủng hộ cho các hoạt động sai trái của mình.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum xác định chủ động thực hiện song song hai nhiệm vụ: Giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, tập trung thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.

Tăng cường đoàn kết các tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ của giáo hội. Chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Quan tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống kinh tế mới, chăm lo đời sống vật chất tinh thần; giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và sản xuất, dạy nghề, bố trí việc làm; đặc biệt quan tâm đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất, dịch vụ cho đồng bào các dân tộc.

Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS, vùng có tôn giáo.            

Sông Côn

Tag:

File đính kèm