Sign In

Năng lực phòng thủ - tiềm lực quốc phòng đều nằm ở sức dân

08:11 30/12/2023

Xác định rõ, năng lực phòng thủ - tiềm lực quốc phòng đều nằm ở sức dân nên tỉnh Lâm Đồng đã tập trung các nguồn lực, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh.

Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên thanh niên lên đường nhập ngũ
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên thanh niên lên đường nhập ngũ

XÂY DỰNG TIỀM LỰC QUỐC PHÒNG

Đại tá Nguyễn Bình Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Để đảm bảo khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, trong năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng tiềm lực vững mạnh trên tất cả các phương diện: chính trị - tinh thần; kinh tế, văn hoá, xã hội; khoa học, công nghệ và tiềm lực quân sự, an ninh.

Riêng đối với tiềm lực quân sự, an ninh, trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng quân đội Nhân dân, công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng…; lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Tỉnh ủy; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo không ngừng phát triển khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn là lực lượng chiến đấu trung thành bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Coi trọng tính toàn diện, tập trung xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh Nhân dân (ANND), nhất là thế trận lòng dân vững chắc. Quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt từ cơ sở với lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp ở các thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức với tỷ lệ đạt 1,77% so với dân số; đảng viên trong lực lượng này hiện vượt 0,5% chỉ tiêu và nắm bắt kịp thời các vụ việc mới phát sinh, giải quyết kịp thời, không để, kéo dài, lan rộng. Hiện nay, tổ chức, biên chế bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, sắp xếp lực lượng dự bị động viên bảo đảm đúng quy định và đủ chỉ tiêu được giao, trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình cho LLVT tỉnh và bố trí quỹ đất cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tổng hợp khu quân sự và tập hợp phần quy hoạch tổng thể bố trí đất quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ sở vật chất bảo đảm cho quốc phòng được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm chuyển mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, địa phương và Nhân dân vào các trạng thái quốc phòng. 

Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tập trung nhiều giải pháp nhằm xây dựng LLVT các địa phương vững mạnh toàn diện, nhất là năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đơn cử như, LLVT các địa phương đã triển khai thực hiện tốt quy trình, các khâu, các bước trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Kết quả, năm 2023, tỉnh Lâm Đồng có 1.150 thanh niên lên đường nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu được giao, tỷ lệ đảng viên vượt 0,18%.

Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các huyện Đam Rông, Đạ Tẻh và TP Đà Lạt. Theo dõi 12 huyện, thành phố tổ chức diễn tập cho 39 xã, phường, thị trấn trong khu vực phòng thủ; tổ chức luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sở chỉ huy cho 16 đầu mối; chỉ đạo 10 đơn vị tổ chức luyện tập chỉ huy; tham gia thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh năm 2023. Thông qua diễn tập góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu cho đội ngũ cán bộ chỉ huy cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới.

Công tác động viên quốc phòng, công nghiệp quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được đảm bảo góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn diện, nền QPTD vững mạnh. 

CHỦ ĐỘNG NHIỆM VỤ NĂM 2024

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương gắn với phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng xây dựng nền QPTD gắn với thế trận ANND. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được giữ vững, ổn định; các nhiệm vụ được triển khai đạt mục đích, yêu cầu, bảo đảm an toàn về mọi mặt. Qua đó tạo được niềm tin của Nhân dân với Đảng và chính quyền địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Đó chính là nền tảng vững chắc cho công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương không chỉ năm 2023 mà cả những năm tiếp theo. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong thực hiện tuyển, gọi công dân nhập ngũ; cử cán bộ đào tạo ngành quân sự cơ sở; việc cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch…

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn còn những khó khăn đặt ra. Bởi vậy, việc nhìn nhận những kết quả đạt được và vấn đề còn tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng là cơ sở quan trọng để tỉnh Lâm Đồng thực hiện sớm và hiệu quả các nhiệm vụ nhằm xây dựng nền QPTD vững mạnh năm 2024.

Vì vậy, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, làm tốt các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và thông qua đó để xây dựng thế trận lòng dân thật sự vững chắc. Đây là giải pháp quan trọng để củng cố quốc phòng - an ninh.
Gắn chặt nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại; ưu tiên xây dựng các công trình trong khu vực phòng thủ tỉnh; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được bố trí cho công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh.
 Tiếp tục tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tại các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh và theo dõi diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ cho 25% đến 30% các xã, phường, thị trấn đảm bảo mục đích, yêu cầu và an toàn về mọi mặt. 
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng - an ninh. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tại cơ sở.

Tổ chức thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng và chỉ tiêu giao. Đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Duy trì tốt chế độ đối thoại Nhân dân, tiếp dân thường xuyên và định kỳ, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhằm giữ vững ổn định chính trị địa phương và góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tag:

File đính kèm