Sign In

Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải cách thủ tục hành chính trong Đảng

06:29 25/12/2023

Xác định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động chuyên môn. Tập trung việc ứng dụng CNTT và kỹ thuật mật mã trong công tác văn thư để rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, giảm giấy tờ hành chính... 

Tập huấn và triển khai hệ thống “Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”. Ảnh: Tuấn Hương
Tập huấn và triển khai hệ thống “Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”. Ảnh: Tuấn Hương

Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện đang sử dụng và khai thác hiệu quả mạng diện rộng của Đảng, các hệ thống thông tin chuyên ngành theo hướng dẫn của Trung ương: Phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) đảng viên; CSDL văn kiện Đảng, chương trình xử lý công văn, CSDL mục lục hồ sơ lưu trữ, phần mềm kế toán Đảng... và các phần mềm trên mạng internet như: Hệ thống phần mềm “Gửi, nhận và xử lý văn bản trên mạng internet” cho các cơ quan Đảng tỉnh Lâm Đồng đã triển khai năm 2017 thực hiện hiệu quả từ cấp tỉnh (mở rộng đến khối Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội) cho đến cấp xã (triển khai đến tận các tổ chức cơ sở đảng), đã tích hợp chữ ký số, tích hợp với hệ thống tin nhắn, tích hợp mã định danh, liên thông với trục gửi, nhận văn bản điện tử của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ trên toàn tỉnh. Đến nay, phần mềm đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về nghiệp vụ, được người sử dụng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên sử dụng và đánh giá cao.

Phần mềm “Hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy” được triển khai cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong toàn tỉnh từ năm 2019; hiện tại các cơ quan, đơn vị đang cập nhật, hoàn thiện việc cung cấp số liệu từ năm 2010 đến nay theo các biểu mẫu thống kê yêu cầu của cấp ủy. Các cơ quan Đảng tỉnh triển khai chứng thư số và chứng thực chữ ký số trong bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị khối Đảng và chính quyền phát huy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh. 

Năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan khối Đảng với việc triển khai thêm một số hệ thống phần mềm, cụ thể: Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành tổ chức tập huấn và triển khai hệ thống “Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (OMS)” trên phạm vi toàn tỉnh và tổ chức tập huấn triển khai hệ thống “Quản lý hồ sơ điện tử (FMS)” cho các ban của Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy nghiên cứu, thiết kế và xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi xử lý đơn thư trong toàn tỉnh (đang trong giai đoạn kiểm thử phần mềm).

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 đợt khảo sát dư luận xã hội bằng hình thức trực tuyến trên internet với hơn 60.000 lượt người tham gia và xây dựng phần mềm tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; có 432.233 lượt người tham gia, trung bình mỗi tuần có 33.248 lượt người tham gia thi.

Hiện nay, Cổng thông tin của Đảng bộ tỉnh (cả mạng internet và mạng diện rộng của Đảng) bao gồm 20 trang thông tin điện tử 6 ban của Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và 12 thành ủy, huyện ủy. Các cơ quan, đơn vị đã thành lập Tổ biên tập để triển khai thực hiện việc cập nhật, duy trì hoạt động của các trang thông tin điện tử. 

Việc cập nhật thông tin thường xuyên lên Trang thông tin điện tử của Tỉnh ủy (mạng diện rộng của Đảng) và Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, các ban của Tỉnh ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy trên internet đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin phục vụ cho cán bộ, công chức khối Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Nhân dân, nâng cao hiệu quả công việc, nắm bắt thông tin kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị trực tuyến của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp được thực hiện đem lại hiệu quả tích cực; đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến giữa Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Thường trực, Ban Thường vụ các thành ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc, các tổ chức Đảng trong tỉnh nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí.

Hệ thống họp trực tuyến nội tỉnh được xây dựng thành công và đưa vào sử dụng chung cho khối Đảng và chính quyền từ năm 2011 gồm tổng cộng 16 đầu cầu với 28 phòng họp nối 12 huyện, thành ủy với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bảo đảm phục vụ các hội nghị trực tuyến của tỉnh và có thể chuyển tiếp phục vụ họp trực tuyến từ Trung ương xuống huyện, thành phố khi có yêu cầu.

Năm 2015 triển khai xây dựng xong phòng họp trực tuyến tại Tỉnh ủy với Trung ương; năm 2019 xây dựng thêm một phòng họp trực tuyến tại hội trường Tỉnh ủy kết nối với Trung ương; năm 2021, triển khai xây dựng xong phòng họp trực tuyến tại 5 ban của Tỉnh ủy; sẵn sàng phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến do Trung ương tổ chức. Đến nay, các hội nghị quán triệt nghị quyết, thông báo nhanh đã tổ chức đến 161 điểm cầu với hơn 12.000 người tham gia (5 điểm cầu cấp tỉnh, 12 điểm cầu cấp huyện và 144 điểm cầu cấp xã)…

Rõ ràng, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng máy tính, in-ternet và nhiều ứng dụng dùng chung tại các cơ quan Đảng góp phần rất lớn vào công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tag:

File đính kèm