Sign In

Tạo đột phá, nâng chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính

09:23 26/09/2023

Những năm qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được hiệu quả tích cực, được cá nhân, tổ chức khi đến làm việc tại bộ phận “một cửa” đánh giá cao. Có được kết quả này là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác cải cách TTHC, trong đó tập trung vào triển khai cơ chế “4 tại chỗ” và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, qua đây nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng cho người dân.

hc

Công chức Bộ phận “một cửa” UBND huyện Bình Gia hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Hiện toàn tỉnh có 1.794 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp tỉnh có 1.422 TTHC, cấp huyện có 263 TTHC, cấp xã có 109 TTHC. Trung bình mỗi năm chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp nhận hơn 700.000 hồ sơ TTHC. Với khối lượng hồ sơ nhiều như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động đẩy mạnh cải cách TTHC, tập trung vào một số nội dung quan trọng, đột phá qua đó nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, giảm phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC.

Thuận lợi hơn nhờ “4 tại chỗ”

Những ngày cuối tháng 9/2023, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh. Mặc dù mới đầu giờ sáng nhưng đã có rất đông người dân đến thực hiện TTHC. Tại các quầy giao dịch, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC diễn ra nhanh chóng, kịp thời. Bà Lý Hồng Thúy, đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gần đây, tôi đến tìm hiểu về thủ tục thành lập doanh nghiệp. Do chưa nắm rõ thành phần hồ sơ nên tôi được công chức “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giải thích tận tình. Việc giải quyết hồ sơ tại chỗ giúp tôi không chỉ bớt thời gian chờ đợi mà trong quá trình thực hiện còn được cán bộ giải đáp tận tình, đầy đủ những thông tin cần thiết khi thực hiện.

Hiện nay, tại trung tâm có 278/1.277 TTHC của 15 cơ quan, đơn vị được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ), chiếm 21,77% tổng số TTHC được đưa ra giải quyết tại đây. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 11.429 hồ sơ TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”, trong đó, 100% hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn.

Không chỉ tại Trung tâm PVHCC, việc thực hiện giải quyết TTHC “4 tại chỗ” cũng được triển khai tại các đơn vị hành chính cấp huyện. Đặc biệt, tại cấp xã, cơ chế này được thực hiện hiệu quả và mang lại sự thiết thực với người dân. Như tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tại bộ phận “một cửa” không chỉ có các công chức chuyên môn mà còn có đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chức thực hiện các bước tiếp theo ngay tại chỗ. Có những hồ sơ như chứng thực giấy tờ chỉ cần mất một vài phút là có thể trả kết quả ngay cho người dân.

Ngoài phường Chi Lăng, hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của UBND các huyện, thành phố, 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”, đạt 100%. Nhờ đó, khi đến giải quyết TTHC, người dân được tiếp nhận và trả kết quả trong thời gian ngắn, giúp tiết kiệm thời gian hơn trước. Đồng thời, trong quá trình thực hiện TTHC, nếu có những vấn đề người dân chưa hiểu rõ hoặc chưa chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan người dân cũng được cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải đáp, hướng dẫn kịp thời, tận tình.

Ông Nông Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: Hiện tại, xã có 33/109 TTHC được thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ”. Theo đó, hằng năm, chúng tôi xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó, chú trọng giải quyết trong ngày đối với các TTHC đơn giản theo cơ chế “4 tại chỗ”; bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”; xây dựng bộ quy tắc ứng xử của cán bộ khi tiếp xúc, làm việc với Nhân dân. Đồng thời, tháng 6/2023, chúng tôi cũng cân đối ngân sách nâng cấp, sửa chữa trụ sở bộ phận “một cửa” với diện tích đạt trên 40 m2. Nhờ đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, bộ phận “một cửa” của xã đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 1.180 hồ sơ, đạt 100%.

hc

Công chức UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia hướng dẫn người dân hoàn thiện thành phần hồ sơ TTHC

Triển khai dịch vụ công trực tuyến

Một trong những đột phá trong công tác cải cách TTHC đó là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Từ năm 2019, cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động, đánh dấu việc đổi mới đưa công nghệ vào quản lý, hỗ trợ thực hiện các giấy tờ TTHC công. Với dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể làm thủ tục ở bất cứ đâu, bất cứ giờ giấc nào, có thể theo dõi tiến độ, việc giải quyết các thủ tục và xác minh được tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Hiện nay hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai, cung cấp 1.435 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.018 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 417 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Ở tỉnh ta, từ năm 2019 bắt đầu khai thác và sử dụng dịch vụ công đối với một số thủ tục. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của đơn vị, việc triển khai dịch vụ công ngày càng được đẩy mạnh. Hiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai, cung cấp 1.435 dịch vụ công trực tuyến trong đó 1.018 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 417 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Qua từng năm, số lượng hồ sơ trên cổng dịch vụ công ngày càng tăng lên. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 263.500 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, vượt 24,5% so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 247-KH/UBND ngày 14/12/2022 của UBND về Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị đã giải quyết được hơn 258.700 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng và trước hạn được hơn 256.500 hồ sơ (chiếm 99,1%).

Để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo sát sao, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ như tổ công nghệ số cộng đồng, tổ hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến tại phận “một cửa” thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công và thực hiện các thao tác thực hiện thủ tục trên môi trường mạng.

Bà Lăng Thị Khuyên, thôn Làng Ngôn, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho biết: Khi đến trụ sở xã làm thủ tục, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ, chưa quen với việc làm thủ tục trên mạng. Tuy nhiên được sự hướng dẫn, trợ giúp của các công chức xã, tôi đã nộp được hồ sơ. Bây giờ có tài khoản rồi, nếu thời gian tới muốn làm thủ tục gì tôi có thể làm tại nhà mà không phải đến trụ sở. Dịch vụ này khá tiện lợi, không mất thời gian đi lại nhiều như trước.

Như vậy, với hai giải pháp trọng tâm được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai xuyên suốt việc thực hiện TTHC đã đạt được hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng chính quyền vì dân phục vụ. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh đúng quy định; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC đúng quy định, chú trọng công tác tiếp nhận hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện cập nhật hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đầy đủ, chính xác trên cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Nguồn: https://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/612926-tao-dot-pha-nang-chat-luong-phuc-vu-trong-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh.html

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều